"...Việt Nam, thành tích cải thiện nhân quyền tệ hại là một trong những lý do khiến cuộc công du dự kiến của Tổng Thống Obama đến Hà Nội vào Tháng Mười Một, 2015 bị hủy bỏ..."
|
Tháng Ba này, Obama đến Cuba.
Như phương ngôn “Việt Nam và Cuba cùng nhau canh giữ hòa bình thế giới” mà cựu Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã triết lý, hai quốc gia này có những điểm giống nhau đến kỳ lạ.
Kể cả lịch trình đón tiếp tổng thống của đất nước cựu thù trong năm 2016.
Chuyến thăm Cuba của Tổng Thống Barack Obama vào Tháng Ba năm nay được đánh giá có thể là một bước chủ chốt hướng tới việc cải thiện thành tích nhân quyền có nhiều vấn đề của quốc gia Cộng Sản này. Đây là chuyến đi Cuba đầu tiên của một vị tổng thống Mỹ đương nhiệm trong gần 90 năm.
Ngay trước thềm chuyến thăm này, Havana đồng ý cho bảy nhà ly khai đang bị cầm tù được xuất cảnh - một phương cách tương tự việc chính quyền Việt Nam tống xuất những người bất đồng chính kiến bị tù như Đoàn Viết Hoạt, Trần Khải Thanh Thủy trước đây và Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ và Tạ Phong Tần gần đây.
Tuy nhiên, Cuba đi sau và có thể về trước. Dù thời điểm bình thường hóa Cuba-Mỹ mới diễn ra vào cuối năm 2014, sau bình thường hóa Việt-Mỹ gần 20 năm, nhưng đảo quốc Cộng Sản này có vẻ dứt khoát hơn trên con đường cải thiện nhân quyền. Chỉ vài tháng sau khi bình thường hóa với Hoa Kỳ, Havana đã thả đến 53 tù nhân chính trị.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn cố thủ trong não trạng đắng nghét thâm thù đối với chủ nghĩa dân chủ nhân đạo. Vào đầu năm 2016, tổ chức Freedom House có trụ sở tại Washington, DC, Hoa Kỳ, lại phải lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp tự do báo chí và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, cũng như hạn chế việc truy cập Internet để tìm kiếm thông tin.
Với điểm số trung bình là 20 trong thang điểm từ 1 đến 100, Việt Nam bị xếp vào một trong số 50 nước bị coi là hoàn toàn không có tự do trong bản báo cáo về tự do toàn cầu 2016. Quốc gia này cũng còn giam giữ ít nhất 130 tù chính trị.
Song con số 130 tù chính trị mà Freedom House nêu ra có thể chỉ mang tính tương đối. Theo một số tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước theo dõi về tù nhân chính trị, con số mà chính quyền còn giam giữ có thể lên đến 150-200 người, thậm chí cao hơn.
Tình trạng bưng bít thông tin về tù chính trị của chính quyền trong rất nhiều năm đã khiến việc thống kê tù nhân lương tâm trở nên rất khó khăn. Thỉnh thoảng và một cách tình cờ, dư luận được biết đến một tù nhân chính trị có “thâm niên” nằm trong nhà tù. Trường hợp “người tù thế kỷ” Nguyễn Hữu Cầu là một điển hình. Ông Cầu nguyên là đại úy QLVNCH, đã bị giam suốt 37 năm trời qua hai thế kỷ XX và XXI. Chỉ nhờ một bức thư kêu cứu của cháu gái ông, dư luận trong nước và đặc biệt các tổ chức nhân quyền quốc tế mới được đánh động. Sau đó, nhờ vào tác động quốc tế, ông Nguyễn Hữu Cầu mới được trả tự do vào đầu năm 2014.
Trong hai năm 2011 và 2012, số người bất đồng chính kiến bị bắt ở Việt Nam tăng cao kỷ lục, trung bình khoảng 45 người/năm. Về sau này, chính quyền còn bắt thêm nhiều dân oan đất đai. Những người này cũng có thể được xem là tù nhân lương tâm.
Chỉ đến năm 2014, do áp lực liên tục của Hoa Kỳ, Tây Âu và cộng đồng người Việt hải ngoại, một đợt thả tù chính trị lớn nhất từ năm 1975 mới hình thành, tổng cộng 12 người. Có những cái tên nổi bật như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Đỗ Thị Minh Hạnh, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.
Tuy nhiên, đến năm 2015, bất chấp việc người đứng đầu đảng Cộng Sản là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng được tổng thống Mỹ tiếp đón linh đình ở Tòa Bạch Ốc, chính quyền Việt Nam hầu như đóng chặt cửa thả tù chính trị. Không những thế, công an Việt Nam còn tiến hành bắt thêm một số người bất đồng như các ông Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng. Người cuối cùng bị bắt trong năm 2015 là Luật Sư Nhân Quyền Nguyễn Văn Đài - một nhà đấu tranh nổi bật.
Việt Nam có muốn được xóa nợ?
Mặc dù một số tổ chức nhân quyền quốc tế vẫn chưa hài lòng với thành tích cải thiện nhân quyền của Cuba, nhưng cần phải thừa nhận rằng giới lãnh đạo ở đây thẳng thắn hơn hẳn giới chóp bu Việt Nam. Năm 2015, trong cuộc tiếp đón Đức Giáo Hoàng Francis, nhân vật hàng đầu của Cuba là Raul Castro đã thổ lộ rằng ông có thể cầu nguyện và đi nhà thờ trở lại.
Mang chất Mỹ Latinh cách mạng trong huyết quản, xác tín Kitô của những người như Raul là có thể tin được.
Tháng Mười Hai, 2015, Cuba được câu lạc bộ Paris bất ngờ xóa khoản nợ đến $4 tỷ. Từng tuyên bố mất khả năng thanh toán vào năm 1986, Cuba là một trường hợp quá khó khăn về kinh tế và do đó phải tìm lối thoát ngay tại “kẻ thù” người Mỹ. Hẳn nhiên tiến trình bình thường hóa khá ngoạn mục giữa Cuba và Hoa Kỳ vào Tháng Mười Hai, 2014, cùng việc Cuba phải thả gần như toàn bộ tù nhân chính trị từ đó đến nay theo yêu cầu của Mỹ, đã khiến các chủ nợ như câu lạc bộ Paris mở lòng với quốc đảo này.
Còn với Việt Nam, thành tích cải thiện nhân quyền tệ hại là một trong những lý do khiến cuộc công du dự kiến của Tổng Thống Obama đến Hà Nội vào Tháng Mười Một, 2015 bị hủy bỏ.
Theo lịch mới, ông Obama sẽ công du Việt Nam vào Tháng Năm. Câu hỏi đặt ra là vào lần này, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ hành xử thế nào với các tù nhân lương tâm?
Hiện vẫn còn những người có tên tuổi chưa được tự do như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, doanh gia Trần Huỳnh Duy Thức...
Tụt hậu quá xa về nhân quyền so với Miến Điện và cả Cuba, Việt Nam còn lâu mới hy vọng sẽ được các chủ nợ lớn nhất là Nhật, Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu... xóa nợ.
Thậm chí ngược lại, vào Tháng Mười Hai, 2015, Ngân Hàng Thế Giới còn tuyên bố dừng các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam.
Thế nhưng, bất chấp tình cảnh tệ hại về kinh tế và ngân sách, kết quả bầu bán nhân sự của đại hội 12 của đảng cầm quyền đã cho thấy dàn nhân sự mới vẫn mang tính bảo thủ khá cao, và do vậy vẫn chưa có nhiều hy vọng là chính quyền Việt Nam sẽ thả nhiều hơn tù nhân chính trị trong năm nay.
Vài cơ sở để có thể hy vọng là 2016 lại là năm mà Hiệp Định TPP có thể được các quốc hội, đặc biệt là Quốc Hội Hoa Kỳ, phê duyệt; cùng chuyến công du của Tổng Thống Obama đến Hà Nội. Đây là hai yếu tố có thể khiến chính quyền Việt Nam, trong thế cực kỳ khó khăn về nội lực kinh tế và thâm thủng ngân sách trầm trọng, phải “mở lòng” hé ra cánh cửa trại giam hoen gỉ.
Nhưng hy vọng trên mới chỉ mang màu lý thuyết. Một thực tế kém hy vọng hơn nhiều mà sẽ khiến toàn bộ chính quyền trung ương ở Hà Nội phải muối mặt trong bất cứ cuộc đàm phán nào với phương Tây là trường hợp cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật ở huyện Lâm Hà. Phá vườn, đốt củi, ném đá và đánh đập không thương tiếc là những gì mà một chính quyền địa phương như Lâm Đồng đang đẩy giới nhân quyền Việt vào đường cùng sinh nhai.
Nhắm mắt và còn bật đèn xanh cho công cuộc đàn áp dân chủ vẫn chưa có bề thuyên giảm, giới quan chức công an và hành chính liên quan tại Việt Nam xứng đáng có tên trong danh sách “cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ và phong tỏa tài sản ở nước ngoài” của Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam - sẽ được các thượng nghị sĩ trình ra Quốc Hội Mỹ trong không lâu nữa.
Phạm Chí Dũng
Người việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét