|
Đầu 2016: những dấu hiệu ‘tự diễn biến’
Cũng khác hẳn tâm trạng kém được mở miệng trước đây, vào năm nay báo chí nhà nước đã có thể can dự vào cuộc tranh luận về việc đưa các chủ đề như cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung và chiến tranh biên giới Tây Nam; đưa câu chuyện Trường Sa, Hoàng Sa vào sách giáo khoa; khơi lại những bằng chứng tội ác quá sức dã man của quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến biên giới 1979…
Cũng đã rất lâu, Việt Nam mới tổ chức kỷ niệm ngày tổng động viên chống Trung Quốc một cách đỡ tủi hổ. Ngày 5/3/2016, trang Vnexpress tường thuật: “Ngày 5/3/1979, trong tình thế cấp bách chống lại hơn nửa triệu quân Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ra lệnh tổng động viên toàn quân, toàn dân kháng chiến”. Tờ báo này cũng dẫn lại bài xã luận trên báo Nhân Dân ra ngày 5/3/1979 đầy thống thiết "Lời kêu gọi của trung ương là lời hịch quyết chiến quyết thắng của tổ quốc. Tất cả con em đất nước Việt Nam đang đi vào cuộc chiến đấu mới: cả nước đánh giặc, toàn dân là lính"… 50 triệu người Việt Nam khi ấy đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến”.
Còn báo Tuổi Trẻ đăng lại bản tin phát thanh đặc biệt sáng 5/3/1979 của Đài tiếng nói Việt Nam "kêu gọi cả nước chống Trung Quốc", trong đó hừng hực: "Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc".
Rõ ràng là đang có một sự “chuyển hóa tư tưởng” về phản ứng với Bắc Kinh, tối thiểu cũng là trên mặt trận truyền thông Việt Nam. Nhưng ai cũng thừa hiểu rằng sẽ chẳng có truyền thông nào nếu từ những cấp cao hơn hẳn không “tự diễn biến”.
Một dấu hiệu khác xảy ra đồng thời, nhưng từ góc độ tranh đấu cho dân chủ hóa, là một cuộc tập hợp tưởng niệm 74 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa ngày 19/1, cùng cuộc tưởng niệm 6 vạn quân nhân và dân thường Việt hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 ngày 17/2 - được giới dân chủ và nhân quyền tổ chức ở Hà Nội - đã hầu như không bị chính quyền ngăn cản và chơi xấu như thói thường trước đây.
Tuy nhiên, dấu hiệu trên chưa có tính nhất quán cao. Ở Sài Gòn, tình hình diễn biến ngược lại. Chính quyền địa phương này vẫn tiếp tục đàn áp thậm tệ những người biểu tình chống Trung Quốc. Một trong những biểu hiện “Vì dân và hành động” đầu tiên của tân Bí thư thành ủy Đinh La Thăng là để mặc cho những vòng hoa tưởng niệm liệt sĩ bị Công an TP HCM xông vào xé nát.
Tín hiệu ‘giao lưu hải quân’
Tín hiệu quân sự bắt đầu hiển lộ hơn. Ngày 18/2/2016 - trùng với thời điểm một tàu cá của ngư dân Quảng Bình bị “tàu lạ” thả neo làm chìm khiến 3 ngư dân mất tích gần đảo Hải Nam, Trung Quốc, cuộc diễn tập quân sự chung giữa Nhật Bản và hải quân Việt Nam đã kết thúc tại Đà Nẵng.
Nhưng truyền thông đảng đã không hoàn thành nhiệm vụ. Hoàn toàn chẳng có một thông tin công khai nào từ báo giới nhà nước hoặc Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tin tức về cuộc tập trận chung trên chỉ được phát ra bởi Hãng tin Kyodo của Nhật Bản. Hãng tin này cho biết Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) và hải quân Việt Nam đã có đợt tập dượt chung ba ngày từ 16 - 18/2 ngoài khơi Đà Nẵng. Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Theo Kyodo, “Một đội của MSDF với hai máy bay tuần tra P-3C đã tham gia hoạt động với mục đích tăng cường hợp tác quốc phòng song phương và kiềm chế Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông”.
Cần lưu ý là ít ngày trước khi diễn ra cuộc tập trên, đã xuất hiện thông tin Việt Nam làm “quan sát viên” trong một cuộc tập trận có tên là Hổ Mang Vàng của Mỹ và các nước đồng minh. Hiện tượng này được coi là hiếm thấy.
Với việc tham dự cuộc tập trận chung với Nhật Bản và lại tập trận ngay tại vùng biển Đà Nẵng chứ không phải một nơi nào đó xa xôi trong Thái Bình Dương, phía Việt Nam có vẻ đã nhích một chút dạn dĩ hơn về phương Tây thông qua cầu nối là khối quân sự Đông Bắc Á - gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines…
Từ đầu năm 2016 đến nay, đã diễn ra hàng loạt dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang buộc phải ngả hơn về Hoa Kỳ, trong lúc xa rời hơn quỹ đạo Bắc Kinh. Trước sự kiện một tàu quân sự Mỹ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa và bị phía Trung Quốc lên án dữ dội, phía Việt Nam đã lần đầu tiên tỏ ra “can đảm” khi tuyên bố sự kiện này là “đi qua vô hại”.
Cũng rõ là sức ép và mối đe dọa của Trung Quốc kể từ sau vụ giàn khoan Hải Dương 981, cho đến trước Đại hội XII của đảng cầm quyền, đã khiến giới chóp bu Việt Nam phải tự lựa chọn một lối thoát cho mình, thay vì thói đu dây dễ té lộn đầu trước đó.
Bắt đầu ‘thoát Trung’?
Vào đầu tháng 3/2016, đài RFI Việt ngữ bắt đầu bình luận “Biển Đông: Giải mã phản ứng cứng rắn của Việt Nam chống Trung Quốc”. Carlyle Thayer, một giáo sư thuộc Học viện quốc phòng Úc và là người am hiểu về tình hình chính trường Việt Nam, được chọn là nhân vật trả lời phỏng vấn của RFI. Giáo sư Carlyle Thayer đã nêu một góc nhìn đáng chú ý: ông cho rằng đã có “đồng thuận” trong giới lãnh đạo mới tại Việt Nam là cần phải quyết đoán hơn trong đối sách với Trung Quốc.
Nhận định của giáo sư Carlyle Thayer có thể là hợp lý. Không phải ngẫu nhiên mà phía Việt Nam tỏ ra quá nhu nhược trong ít nhất 4 năm qua, kể từ khi tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh của Việt Nam vào cuối năm 2011, và kể cả sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, mà phải đến sau khi kết thúc Dại hội XII của đảng Cộng Sản, giới lãnh đạo Việt Nam mới dường như “mở miệng”.
Nếu trước Đại hội XII, dân gian Việt Nam phải nói quá nhiều về thực trạng “cung Vua, phủ Chúa”, mà tiêu biểu là tình trạng phân hóa ở mức độ cao giữa khâu định hướng, chỉ đạo của bên đảng và thực quyền có muốn thực thi hay không của bên chính phủ, thì nay mọi sự có vẻ “đồng thuận” hơn khá nhiều. Hai bộ quan trọng nhất về quan hệ quốc tế và bảo vệ đất nước là Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng hiện thời đều chịu sự chỉ đạo tập trung của Tổng Bí thư tái cử kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng.
Mặc dù vẫn còn khá nhiều điều tiếng về việc Tổng Bí thư Trọng chịu sự chi phối mạnh mẽ của phía Trung Quốc, nhưng từ chuyến công du Washington của ông Trọng đến thổ lộ “cần Mỹ hiện diện nhiều hơn nữa ở Biển Đông” của cấp dưới ông Trọng là Thủ tướng Dũng, đã cho thấy Việt Nam bắt đầu bộc lộ thái độ bớt đu dây hơn trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Một dấu hiệu khác, tuy mang tính nội chính nhưng lại liên quan đến đối ngoại - là Luật Biểu tình. Sau Tết nguyên đán 2016, lần đầu tiên ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội, tỏ ra dứt khoát một cách đáng ngạc nhiên trong việc yêu cầu chính phủ trình dự thảo Luật Biểu tình ra Quốc hội, tạm thời chấm dứt thời kỳ “gật” của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước nhiều văn bản “trảm trước tấu sau” của các cơ quan bên chính phủ.
Luật Biểu tình lại liên đới mật thiết với hoạt động biểu tình phản đối Trung Quốc. Có thể trong chủ trương mang hơi hướng “thoát Trung”, đảng và chính quyền đã bớt “sợ” khi bắt đầu nghĩ ngợi về một phong trào biểu tình chống Trung Quốc được khởi xướng bởi các tổ chức xã hội dân sự chứ không phải từ các hội đoàn nhà nước.
Những dấu hiệu trên có thể có đôi chút triển vọng cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Đã đến lúc nhà cầm quyền Việt Nam phải nhận ra, dù mới ở mức tối thiểu, những giá trị của lẽ phải trong công cuộc thoát Trung trong vài ba chục năm tới.
Phạm Chí Dũng
Theo VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét