...Lừa đảo xẩy ra khắp mọi nơi trên thế giới và trong suốt lịch sử nhân loại. Nhưng có lẽ ít có nơi nào nạn lừa đảo phổ biến rộng như ở nước ta hiện nay, càng ra sức chống thì nó càng phát triển...
Xã hội VN gần đây phát hiện quá nhiều vụ lừa đảo nổi tiếng. Chưa điều tra xong vài chục vụ tín dụng đen, mỗi vụ từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng với hàng ngàn người bị lừa thì đã lại phát hiện vụ Liên kết Việt gần 2 ngàn tỷ đồng với gần 6 vạn nạn nhân. Liên kết Việt đang nóng ran thì VTV1 (ngày 10/3/2016 ) đưa tin vụ lừa đảo lớn ở Câu lạc bộ sức khỏe Việt. Về lừa đảo và chiếm đoạt đất đai, chưa giải quyết dứt điểm các vụ Dương Nội, Thanh Hà-Cienco, Sapa, Bà Rịa, Cần Thơ và hàng chục nơi khác thì đã lại xuất hiện vụ việc ở Phú Thọ, nông dân bị lừa từ cho thuê đất để trồng ngô thành chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp, làm cho hàng trăm con người khuynh gia bại sản. Danh sách tội phạm lừa đảo, từ Phạm Tiến Lập (Lào Cai), Trần Thị Doan (Bà Rịa), Nguyễn Nha Trang (Hà Nội)… kéo dài mãi ra hàng ngàn, hàng vạn tên, nào là Lê Xuân Hồng, Trương Thị Tuyết Nga… và nhân vật nổi cộm gần đây là Lê Xuân Giang. Đó là những vụ lừa đảo lớn, phải đem ra xét xử tại tòa án. Ngoài ra, hàng giờ, hàng ngày, khắp mọi nơi người ta lừa bịp trong mọi hoạt động xã hội để chiếm đoạt danh, lợi, tình. Đó là “chuyện thường ngày ở huyện”. Hễ xã hội có hoạt động gì là ngay lập tức có bọn hoạt động lừa đảo trong lĩnh vực ấy.
Lừa đảo gây ra tác hại nghiêm trọng về nhiều mặt. Rõ ràng nhất là kinh tế. Người bị lừa mất của, có khi đến thất cơ sập nghiệp, sản xuất đình đốn, nhiều người còn tìm đến cái chết để thoát nợ. Kẻ lừa được thường dùng phần lớn của phi nghĩa để ăn chơi trác táng, gây nên lãng phí tài sản xã hội. Thiệt hại về kinh tế là to lớn, là hữu hình nhưng không bằng thiệt hại về văn hóa, về đạo đức, về quan hệ xã hội. Trong rất nhiều nỗi sợ hãi do thiên nhiên và những kẻ áp bức, thống trị gây ra còn cộng thêm nỗi sợ bị đồng loại lừa đảo. Trong những lời khấn tại các đền chùa có không ít lời cầu xin tránh được bị lừa, ngược lại cũng có không ít kẻ cố đốt nhiều vàng mã để mong được ban phát thời cơ, tuy không nói trắng ra nhưng ngầm ẩn chứa mưu mô lừa đảo được nhiều người để thu lợi. Lừa đảo cùng với dối trá, tham nhũng, mua quan bán tước, độc quyền toàn trị và nhiều tệ nạn khác càng ngày càng đẩy dân tộc vào con đường tụt hậu.
Khi nghiên cứu về tham nhũng người ta đã vạch ra rằng: “Tham nhũng kinh tể là phổ biến và dễ thấy, nhưng tham nhũng về quyền lực chính trị mới là tham nhũng cao nhất”. Cũng tương tự như tham nhũng, lừa đảo về kinh tế là phổ biến nhất, dễ thấy nhất, nhưng xét cho cùng thì lừa đảo về quyền lực chính trị, về đường lối chính trị mới là nguy hiểm nhất vì nó có thể lừa được nhiều dân tộc với hàng trăm triệu người, có thể dẫn dắt các tập đoàn vào chiến tranh tàn sát nhau (Napôlêông và Hitle chẳng hạn ) hoặc đẩy các dân tộc vào cảnh lầm than, lạc hậu.
Lừa đảo xẩy ra khắp mọi nơi trên thế giới và trong suốt lịch sử nhân loại. Nhưng có lẽ ít có nơi nào nạn lừa đảo phổ biến rộng như ở ta hiện nay, càng ra sức chống thì nó càng phát triển. Bài viết này trình bày nguồn gốc sâu xa của hiện tượng đó và đề xuất một vài cách khắc phục.
Một vụ lừa đảo bắt đầu bằng hành động lừa (bên A), nhưng có lừa được hay không còn phụ thuộc người bị lừa (bên B). Xin bàn về người bị lừa trước.
2 - Người bị lừa
Ai cũng có thể gặp trường hợp bị lừa, nhưng có mắc lừa hay không là chuyện khác. Tại sao, nguyên nhân sâu xa nào làm người ta mắc lừa. Gốc gác là sự kém hiểu biết, nói văn hoa là thiếu thông tin, nói trắng ra là sự ngu dốt. Nhưng nếu B tự nhận thức được sự kém hiểu biết thì chưa dễ gì mắc lừa, nó phải kết hợp với lòng tham hoặc lòng tốt. Lòng tham (hoặc thèm khát, ham muốn) nhằm kiếm lợi dễ dàng, hoặc chỉ nhằm làm cho mình được thoải mái trong một công việc nào đó, cũng có thể là để thỏa mãn một ý muốn. Lòng tốt nhằm giúp đỡ người khác. Mỗi một đức tính ấy kết hợp với sự kém hiểu biết thì khi gặp phải A, xác suất mắc lừa là cao. Lòng tham càng lớn bị lừa càng đau. Càng đau hơn khi B thực sự kém hiểu biết, đang được người khác cảnh báo là coi chừng bị lừa, thế mà cứ nhơn nhơn tự cho là hiểu biết và khôn ngoan hơn người. Trong vụ Liên kết Việt, tên tội phạm đầu sỏ là Lê Xuân Giang, còn gần 6 vạn người mắc lừa vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, chính lòng tham lợi lộc dễ kiếm đã xui giục họ chui đầu vào thòng lọng. Ngoài những người vừa kể chắc cũng còn nhiều người khác bị lừa, được nghe những lời dụ dỗ đường mật, hứa hẹn kiếm lợi dễ dàng, nhưng họ không tham hoặc có hiểu biết, có cảnh giác nên không mắc lừa. Vụ hàng ngàn người mất tiền vì vé máy bay giả trên mạng hoặc mua phải vé tàu giả của bọn cò là bị lừa do muốn dễ dàng trong việc mua bán. Việc hàng triệu thanh niên Đức Quốc xã bị lừa, bỏ xác trên chiến trường là để thỏa mãn ý muốn thể hiện lòng trung thành với Hitle, với chế độ phát xít.
Xin kể vài câu chuyện bị lừa vì lòng tốt.
Chuyện 1 - Đêm tối. Trên con đường qua cánh đồng vắng, Trần đang lái xe chạy từ từ, bỗng nhìn thấy một chiếc xe máy và cô gái nằm ngất xỉu bên vệ đường. Đoán là một tai nạn giao thông nên Trần dừng xe để thăm hỏi và cấp cứu. Khi Trần vừa đến sát cô gái thì 3 người ở đâu xông đến, nhanh chóng khống chế và lột sạch mọi thứ, lên 2 xe bỏ chạy, để lại Trần một mình bơ vơ trên đường.
Chuyện 2 - Trong hoàn cảnh khó khăn nhiều người đã vì lòng tốt mà cho bạn bè, bà con, cơ quan, đoàn thể mượn nhà mượn đất. Sau một thời gian dài, nhà và đất ấy đã bị chiếm đoạt, không thể đòi lại được. Trường hợp ông Trịnh Văn Bô ở Hà Nội thời kỳ 1945-46 là một điển hình. Bà Nguyễn Thị Năm, ở Thái Nguyên, vì lòng tốt mà đem nhiều của cải ủng hộ CM, cho 2 con trai theo CM. Đến khi bị người của CM trói vào cọc để xử bắn mới biết đã bị lừa.
Thông thường khi sự việc đang xẩy ra B không biêt đang bị lừa, đến khi biết thì đã quá muộn. Tuy vậy cũng có khi B biết chắc mình đang bị lừa mà vẫn cắn răng lại để chấp nhận. Vì sao vậy? Vì sợ. Họ sợ phải hứng chịu những tai họa sẽ xẩy ra nếu không chấp nhận bị lừa. Tạm gọi đó là sự lừa cưỡng bức của kẻ có thế lực, hình thức là lừa nhưng thực chất là áp đặt, tước đoạt.
Vào cuối đời Tố Hữu làm bài thơ nổi tiếng “Anh bộ đội bị lừa”: Có anh bộ đội mua đồng hồ / Thật giả không tường, anh cứ lo / Bèn hỏi cô hàng, cô tủm tỉm / Giả mà như thật, khó chi mô.
Tôi đã nhiều lần nhờ có hiểu biết mà tránh được bị lừa, nhưng cũng vài lần vì không hiểu biết mà bị lừa, trong đó có lần do lòng tham, muốn dễ dàng và giá rẻ trong mua bán và vài lần do lòng tốt. Trong vai trò trọng tài viên của TT Trọng tài Quốc tế tôi cũng phát hiện ra khá nhiều vụ lừa hợp đồng của các công ty.
3 - HÀNH ĐỘNG LỪA ĐẢO
Hành động lừa đảo (A), cũng giống như nhiều hành động khác, có thể do cố ý hoặc vô tình. A cố ý khi tự biết việc làm là lừa đảo, sẽ mang lại thiệt hại cho B. Lúc này A sẽ nghiên cứu tâm lý tham lam hoặc lòng tốt của con người để vạch ra thủ đoạn. Mà thủ đoạn thì vô cùng, trong đó có những thủ đoạn rất tinh vi. A vô tình phạm tội khi nhầm tưởng việc làm của mình không phải là lừa đảo mà là lòng tốt. Trong trường hợp này cả A và B đều thiếu hiểu biết. Đa số trường hợp lừa đảo là cố ý, tuy vậy đã có những trường hợp do vô tình nhưng tác hại thật lớn.
Lừa đảo cố ý thường bắt đầu bằng mồi nhử. Mồi cho kẻ tham là những lời đường mật, là món lợi trước mắt, kiếm được dễ dàng và phải tranh thủ ngay, nếu chần chừ sẽ mất thời cơ. Mồi để lợi dụng lòng tốt là những hoàn cảnh khó khăn, éo le, do A bịa ra để lừa, hoặc cũng có thể là hoàn cảnh có thật để A lợi dụng. Trước khi thực hiện hành vi chính của lừa đảo thì A luôn tỏ ra là người tử tế, có lòng tốt, quan tâm đến B, đến mức làm cho B cảm động và tin cậy. Những lời đường mật của A làm B bị tê liệt cảnh giác, trở nên mê muội, bị dẫn đến địa ngục mà cứ tin tưởng chắc chắn đang sắp lên thiên đường.
Lừa đảo thường bắt đầu bằng hiện tượng lòng tốt giả tạo. Nhưng sẽ vô cùng sai lầm khi cho rằng mọi lòng tốt đều giả tạo. Trong xã hội mà lừa đảo diễn ra khắp nơi thì lòng tốt thực sự vẫn còn rất nhiều, vì đó là một phần của bản chất con người. Để phát hiện ra lòng tốt là giả tạo hay thực sự là không dễ. Nó cần có kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống, tinh thần cảnh giác, đặc biệt là từ bỏ được tính tham lam, vì lòng tham dễ làm cho con người ta tối mắt, tối lòng.
4 - Nguồn gốc sâu xa
Nguồn gốc trực tiếp của hành động lừa đảo cố ý là thói xấu tham lam, ích mình hại người của một số kẻ đểu cáng. Những kẻ này có mặt khắp nơi trên thế giới, nhưng ở mỗi nơi chúng thực hiện được hành vi lừa đảo được đến đâu còn tùy thuộc vào sự nghiêm minh và trong sáng của chính quyền, trình độ dân trí của dân chúng. Trong bài này tôi chỉ bàn đến nguồn gốc sâu xa nào làm phát triển tràn lan tệ nạn lừa đảo ở Việt Nam hiện nay. Sau nhiều năm nghiên cứu về xã hội tôi đã rút ra kết luận : “Cũng giống như đối với các tệ nạn khác, sự phát triển mạnh mẽ và tràn lan nạn lừa đảo ở VN hiện nay là do sự kết hợp, sự cộng hưởng giữa những yếu kém trong nền văn hóa dân tộc với những độc hại của Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML)”.
Nền văn hóa hay tính cách của người Việt có nhiều điều tốt đẹp, nhưng cũng có không ít thói hư tật xấu, những yếu kém. Liên quan đến tệ nạn lừa đảo là các yếu kém như thói tham lam, ích kỷ, ích mình hại người, lòng dễ tin… Nguy hiểm nhất là từ đời này sang đời khác có sự nhầm lẫn giữa thói xấu lừa đảo và trí thông minh hoặc sự khôn ngoan. Nhiều người nhầm lẫn và ca ngợi những mưu mô xảo quyệt nhằm lừa người khác là trí thông minh cần học tập và phát huy. Tiêu biểu là chuyện Trạng Quỳnh lừa Bà Chúa Liễu, là chuyện nông dân lừa được ông phú nông này, bà địa chủ kia, chuyện anh nông dân lừa được con quỷ khi hợp tác trồng lúa, trồng khoai và trồng ngô, chuyên bác nông dân lừa trói con hổ đế đốt, rồi huênh hoang “trí thông minh của tao đây”. Hồi còn bé khi nghe hoặc đọc những câu chuyện như vậy tôi vô cùng thán phục, ước ao mình được thông minh như vậy, khi về già mới phát hiện ra được những nguy hại trong các câu chuyện ấy, đó là sự nhầm lẫn giữa trí thông minh và trò láu cá. Trong quan hệ xã hội, trong việc hợp tác để cùng phát triển cần nhất là đức tính trung thực, còn trí thông minh là dùng để khắc phục khó khăn, để sáng tạo chứ không phải để lừa bịp. Thế mà bao nhiêu chuyện dân gian lại ca ngợi sự lừa đảo như là trí thông minh. Hỏi rằng còn ai dám hợp tác với những con người sẵn sàng lừa đối tác. Gần đây (ngày 3/3/2016) tôi nghe đài VOV2, chuyện kể cho trẻ con, ca ngợi “trí thông minh tuyệt vời của con thỏ” khi lừa được con voi và hà mã để chiếm đoạt thành quả lao động của 2 con vật lớn xác. Thông minh gì cái kiểu đểu cáng ấy. Ngay từ bé đã bị đầu độc bằng những câu chuyện lẫn lộn giữa lừa đảo và trí thông minh nên khi lớn lên một số người tham lam tìm cách lừa người khác, khi lừa được lại tự ca ngợi là thông minh..
Vì sao lại có sự nhầm lẫn giữa thông minh, khôn ngoan và lừa đảo. Mà sự nhầm này là phổ biến và kéo dài từ đời này qua đời khác. Đó là do dân trí thấp, quá thấp.
Trong chiến tranh, việc nghi binh, việc dùng mưu chước để đánh lừa đối phương được xem là tài giỏi, là sáng suốt, đặc biệt trong chiến tranh du kích, lấy yếu đánh mạnh. Suy cho cùng, những nghi binh, những mưu chước đều nhằm lừa dối, nhưng lừa dối trong chiến tranh, cũng như giết nhau trên chiến trường thì được chấp nhận, vì cả 2 bên đều làm như nhau. Tuy vậy, khi người ta đã quen với việc lừa dối trong chiến tranh, đem tuyên truyền và ca ngợi nó trong đời thường, vận dụng nó trong cuộc sống thì là một tai họa lớn. Về đạo lý, không được đem những mưu mô lừa kẻ địch trên chiến trường để áp dụng cho đồng loại.
Về những độc hại của CNML. Đó là những độc hại ẩn giấu trong lý thuyết và hành động đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, công hữu hóa tư liệu sản xuất, xây dựng chế độ XHCN, duy vật biện chứng, duy vật lịch sử v.v… Những độc hại này đã được nhiều người chỉ ra. Những nội dung của CNML là sai lầm về cơ bản, là ảo tưởng. Để lôi kéo mọi người tin theo thì cách cơ bản nhất là dùng biện pháp tuyên truyền dối trá, lừa bịp, hứa hẹn hão huyền. Nhiều người đã tổng kết được 2 vũ khí cơ bản của CNML là sắt máu và dối trá. Thế nhưng cũng chỉ lừa dối được một phần nhỏ của nhân loại, và trong số từng bị lừa, các dân tộc của Liên Xô và các nước Đông Âu đã tỉnh ngộ ra, vứt bỏ không thương tiếc. Chỉ còn lại một số người chưa nhận thức được, vẫn đeo bám, vẫn muốn được bị lừa, vẫn không chịu phát triển.
Chính quyền và Đảng CS luôn luôn tuyên bố ngăn ngừa, chống lại, trừng trị kẻ lừa đảo, nhưng đường lối toàn trị thực tế của họ lại dung túng, thả lỏng cho lừa đảo phát triển. Rõ ràng nhất là những tổ chức, những con người chịu trách nhiệm chính trong việc chống lừa đảo làm việc rất kém hiệu quả. Vì sao vậy?. Vì họ không giỏi nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm thấp. Nghiệp vụ không giỏi vì phần lớn họ được nhận vào làm nhờ thế lực, chạy chọt, đút lót, chứ không phải nhờ năng lực. Đa số người giỏi, có năng lực hoặc đã bỏ đi làm việc cho nước ngoài hoặc không chịu đút lót để làm việc. Trách nhiệm thấp vì họ phải lo lắng, mất nhiều thời gian và sức lực cho việc quan trọng hơn, cấp thiết hơn, đó là theo dõi, ngăn trở, bắt bớ những người có ý kiến bất đồng để bảo vệ Đảng, là tìm mọi cách bóp nặn nhằm thu hồi tiền vốn đã bỏ ra để chạy việc và nhằm làm giàu cá nhân. Không những thế, nhiều người trong số họ cũng là những kẻ lừa đảo.
Về lừa đảo trong khoa học xã hội có lẽ Karl Marx là người tài ba nhất. Ông đã lừa được một phần nhỏ của nhân loại, trong đó có cả những nhà khoa học, trí thức bậc cao, nhà hoạt động cách mạng tin vào học thuyết sai lầm về đấu tranh giai cấp, về duy vật lịch sử, về những hoang tưởng của chế độ Cộng sản. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Karl Marx mắc vào tội lừa đảo là do vô tình cộng với lòng tốt, tình thương yêu giai cấp vô sản, do sự bồng bột và kém hiểu biết của thời trẻ. Về già Karl Mar đã tỉnh ngộ ra, biết được một số sai lầm của mình.
Theo học thuyết của Karl Marx, các đảng cộng sản, trong lúc cố ý bảo vệ ý thức hệ sai lầm, cố ý tạo lập quyền lực và quyền lợi cho cá nhân và phe nhóm thì có thể đã vô tình hoặc cố ý lừa đảo các dân tộc đi theo mình rồi khống chế họ phục vụ mình. Đó là lừa đảo trong chính trị và quyền lực. Trong sự tranh giành và củng cố quyền lực người ta dùng kết hợp những thủ đoạn lừa đảo tinh vi và trắng trợn, thể hiện rõ trong bầu cử với “dân chủ đến thế là cùng”.
5 - Vài cách khắc phục
Khi cho rằng đã đoán đúng nguồn gốc sâu xa (nguyên nhân cơ bản) thì cách khắc phục chủ yếu nhất là tìm cách loại bỏ, giảm bớt hoặc ngăn ngừa các nguồn gốc đó. Việc làm này không dễ vì phải chống lại một số thế lực ra sức bảo vệ nó để lợi dụng. Thông thường phải làm cho những kẻ muốn lừa đảo có được ít nhất 1 trong 3 điều không: không muốn, không thể, không dám (có được cả 3 thì càng tốt). Còn để không bị mắc lừa thì cần nâng cao sự hiểu biết (cảnh giác), loại bỏ tính tham lam và lo sợ.
Để người ta không muốn lừa đảo thì quan trọng nhất là giáo dục để nâng cao dân trí và đạo đức, tránh sự hiểu nhầm. Đó là việc của mỗi gia đình, nhà trường và đặc biệt là của thành phần ưu tú trong dân tộc. Để bọn đểu cáng không thể lừa người khác thì quan trọng cũng là nâng cao dân trí để người dân biết được đâu là chân thực, đâu là dối trá, ngoài ra thì phải có hệ thống tổ chức và quản lý chặt chẽ, làm chỗ dựa vững chắc cho việc chống lại lừa đảo. Để người ta không dám lừa đảo thì phải có luật pháp công minh, nghiêm khắc, có đội ngũ cán bộ thi hành giỏi chuyên môn, trách nhiệm cao, có cách xử phạt làm cho kẻ định lừa đảo phải sợ. Đó là việc làm của một chính quyền thật sự trong sạch, vững mạnh (chính quyền tham nhũng, thối nát không làm được).
Có một ít người bản chất không muốn lừa đảo nhưng cuộc sống xô đẩy họ vào hoàn cảnh quá nghiệt ngã, họ quá bị bế tắc, để tồn tại họ liều mạng tìm cách lừa đảo bằng cách vay mượn chẳng hạn. Đối với những người này xã hội và chính quyền nên tìm cách giúp đỡ họ vượt qua khó khăn bằng những cách có thể.
Nguyễn Đình Cống
Theo Bauxite VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét