...Qua việc chống lại lệnh trung ương, ông Dũng đã khiến cuộc chuyển giao quyền lực trong nội bộ đảng lâm vào tình trạng khủng hoảng?...
Diễn biến mới nhất cho thấy thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng đã không chịu làm đơn từ nhiệm, bất chấp mệnh lệnh trước đó của trung ương đảng yêu cầu ông này sớm chuyển giao quyền lực lại cho phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Khủng hoảng chuyển giao quyền lực
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 18/3/2016, tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông báo kỳ họp thứ 11 – quốc hội khoá 13 sẽ dành ra hơn 10 ngày để “kiện toàn” về vấn đề nhân sự.
Dù vậy, danh sách chính thức về 3 chiếc ghế chủ chốt, bao gồm: chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội - cho đến thời điểm hiện tại - vẫn chưa được trung ương đảng trình ra quốc hội.
"Công tác cán bộ là của Đảng, văn bản chính thức là Trung ương trình ra, giới thiệu ra Quốc hội thì lúc đó mới có danh sách chính thức", báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phúc nói.
|
Mặc dù mệnh lệnh của trung ương đảng tỏ ra khá vội vã, nhưng đến khi làm thủ tục hợp thức hoá tại quốc hội thì lại trở nên chậm trễ.
Sự trì hoãn này cho thấy dường như đã xảy ra khủng hoảng trong vấn đề chuyển giao quyền lực giữa các phe phái trong giới chóp bu Ba Đình.
Nguyễn Tấn Dũng không làm đơn từ nhiệm
Về lý thuyết, Nguyễn Tấn Dũng vẫn có thể ngồi chiếc ghế thủ tướng cho đến hết nhiệm kỳ vào tháng 7/2016, thời điểm mà quốc hội mới – khoá 14 – sẽ nhóm họp phiên đầu tiên để “bầu chọn” ra tân thủ tướng.
Tuy nhiên, thông lệ này đã bị phá vỡ. Dưới áp lực của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và bộ chính trị, ban chấp hành trung ương đảng CSVN đã ra nghị quyết buộc ông Dũng phải chuyển giao quyền lực sớm hơn 3 tháng trước thời hạn.
Theo đúng thủ tục, nếu quốc hội CSVN muốn tiến hành bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh thủ tướng đối với ông Dũng thì trước hết phải có đơn xin từ nhiệm của ông này.
Chi tiết này đã được phóng viên Tuổi Trẻ nêu ra trong cuộc họp báo hôm 18/3/2015, nhưng tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã không dám trả lời thẳng vào câu hỏi.
Trích:
|
Tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Nhiệm kỳ của những người giữ các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn là 5 năm. Trong thời gian này thì Quốc hội có quyền bãi nhiệm, miễn nhiệm.
Theo quy định thì cá nhân những người giữ các chức danh đó có thể viết đơn xin từ chức, đồng thời cũng có quy định là với những người do cơ quan có thẩm quyền trình để thay thế thì không cần phải có đơn. Cái này là theo Luật Tổ chức quốc hội năm 2014.
*
Thái độ né tránh của ông tổng thư ký quốc hội đã gián tiếp xác nhận rằng: Nguyễn Tấn Dũng nhất quyết không chịu làm đơn xin từ nhiệm.
Tại diễn đàn quốc hội năm 2011, ông Dũng cũng từng “lý luận” theo kiểu: Tui không có xin, tui cũng không có chạy chọt. Trung ương tiến cử, quốc hội bầu chọn cho tui làm thủ tướng thì tui nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh mà đảng giao phó.
Bằng việc tái diễn lại kịch bản chây lỳ như trên, Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn đủ thời gian đón tiếp Obama trên cương vị thủ tướng vào tháng 5/2016. Đây cũng là cơ hội quan trọng để ông Dũng lấy lại thanh thế và phục vụ cho những toan tính quyền lực của riêng mình.
Rõ ràng, nỗi ám ảnh của Nguyễn Phú Trọng đang dần dần trở thành sự thật. Sự chây lỳ của Nguyễn Tấn Dũng không chỉ là động thái chống lại mệnh lệnh của ban chấp hành trung ương, mà thậm chí còn khiến cho cuộc chuyển giao quyền lực trong đảng lâm vào tình trạng khủng hoảng và bế tắc.
Hoàng Trần
Danlambao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét