Tự do báo chí, Internet nên được hiểu ra sao? - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Tự do báo chí, Internet nên được hiểu ra sao?

ad728
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố bản phúc trình toàn cầu thường niên về tình hình nhân quyền năm 2011 vào ngày 24/05/2012, đúng vào ngày bốn sinh viên công giáo thuộc Giáo phận Vinh bị tòa án ở Nghệ An tuyên án tổng cộng 117 tháng tù giam về “tuyên truyền chống nhà nước XHCN” theo Điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam. Một trong số họ là anh Lê Sơn, người từng được đề cử giải thưởng “Công dân mạng” của tổ chức Phóng viên Không Biên giới – Reporters Without Borders (RSF)

Trong phần báo cáo dành cho từng quốc gia, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích Việt Nam “đàn áp các quyền tự do” của công dân trong đó có quyền bày tỏ chính kiến và quyền tự do Internet. Các điểm này hầu như đã không có thay đổi nhiều trong bản báo cáo về nhân quyền trước đó vào năm 2010.

Ngược lại, phía Việt Nam luôn khẳng định rằng không có cái gọi là “tù chính trị” ở trong nước và “không có ai bị bắt vì lý do bày tỏ chính kiến”. Tuy nhiên, phản ứng của phía Việt Nam với các cáo buộc vi phạm nhân quyền từ các tổ chức phi chính phủ cũng như các cơ quan ngoại giao nước ngoài thường là những luận điểm yếu ớt, kém thuyết phục.

Tiêu chí nào về tự do Internet cần được xét tới?

Tháng 3 vừa qua, Việt Nam tiếp tục bị tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) liệt vào danh sách các nước đứng chót bảng về tự do báo chí, bị xếp vào danh sách các nước là “kẻ thù của Internet”. Trong bài báo mới đây đăng trên báo mạng Quân đội Nhân dân (QĐND) do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát, trích lời một giáo sư Mỹ Thomas Jandl trong lần tới Việt Nam “đã phải thốt lên rằng ‘có thể truy cập internet ở bất kỳ chỗ nào’.” Tờ QĐND nhanh chóng kết lại “lời nói của một người Mỹ liệu đã đủ để thay đổi cách nhìn về ‘tự do internet’ ở Việt Nam hay chưa?”. Tuy nhiên, đây là một lời chống chế, ngụy biện khá thô thiển bởi không ai cáo buộc rằng Internet ở Việt Nam bị cấm tuyệt đối như ở Bắc Triều Tiên hoặc “ở Việt Nam không thể truy cập được Internet”, mà họ cáo buộc các trang mạng xã hội như Facebook, các trang blog cá nhân, đài tin tức nước ngoài…bị chặn tường lửa, đánh phá nửa bí mật, nửa công khai!

Như vậy, vào được Internet, hay nói cho cùng là vào được với những kênh truyền thông mà chính quyền Việt Nam muốn dân chúng vào, dứt khoác không phải là một biểu hiện của “quyền tự do Internet” như phía Việt Nam thường xuyên quan niệm. Tự do Internet phải được do lường bằng những tiêu chí như: các blog cá nhân, các báo đài, các ý kiến bất đồng với chính quyền có là mục tiêu bị theo dõi, ngăn chặn, kết tội hay không; người dùng Internet có được tự do phát biểu ý kiến đối lập, khác biệt với chính quyền một cách ôn hòa mà không bị bắt bớ hay không, v.v…

Tiêu chí nào về tự do báo chí cần được xét tới?

Ngoài Internet, tự do báo chí tại Việt Nam luôn là đối tượng chỉ trích trong nhiều bản phúc trình nhân quyền của nhiều tổ chức, chính phủ nước ngoài nhắc tới – mới đây nhất là phúc trình của Freedom House, Ân xá Quốc tế và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ở Việt Nam, tính đến tháng 3/2012 đã có gần 17.000 nhà báo, hơn 19.000 hội viên nhà báo, 786 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh[1]. Các số liệu này cũng thường được dùng để “đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc” về tự do báo chí tại Việt Nam.

Cũng giống Internet, số lượng các ấn bản, cơ quan báo chí, kênh truyền hình…không hề phản ánh chất lượng và tính chất của chúng.

Phát biểu tại Đại hội Toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc nhắc đến tình trạng quyền tự do báo chí tại Việt Nam bị thực dân Pháp chà đạp như sau: “Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở châu Âu và các nước châu Á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển … kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế thỉ ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy” [2].

Dựa trên tư tưởng của Hồ Chí Minh về tự do báo chí qua phát biểu trên ta có thể khẳng định một số quan niệm về tự do báo chí: Số lượng tờ báo nhiều hay ít không phải là thước đo cho một nền báo chí có tự do hay không! Tự do ở đây được nêu rõ, dân chúng có quyền thành lập, tiếp cận với những kênh truyền thông không phải do “chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển” hay không? Thực tế này tại Việt Nam đã quá rõ ràng! Nếu sửa lại đôi chút trong lời nói của Hồ Chính Minh thành “Giữa thế kỷ XXI này một nước có đến hơn 80 triệu dân mà không có lấy một tờ báo không do chính quyền kiểm soát” thì có khác gì thời thực dân Pháp!?

Chỉ thị 37 của Chính phủ Việt Nam nêu rõ “kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức”[3] là một minh chứng không thể chối cãi cho quyền tự do báo chí đang bị giới hạn nghiêm trọng.

Điều 19 Công ước Quốc tế về Quyên Dân sự, Chính trị mà Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn nêu rõ: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.” Vậy hãy dựa trên tư tưởng Hồ Chí Minh và luật pháp quốc tế để soi rọi vào tình hình Việt Nam để xem quyền tự do ngôn luận, báo chí, Internet được “tôn trọng” và “bảo đảm trên thực tế” đến đâu.

Đ.T.
26/05/2012

© TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012
___________________

[1] http://www.petrotimes.vn/dam-luan-doi-thoai/2012/05/cai-nhin-sai-lech-cua-freedom-house-ve-tu-do-bao-chi-o-viet-nam
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 1, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000 Trang 403.
[3] http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2006/12/74120/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages