|
Dư luận xã hội cực kỳ bức xúc
Đỉnh điểm là sau buổi họp báo công bố nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt, tối ngày27/4/2016, khi thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân rốt ráo đọc một bản thông báo "vô trách nhiệm" và tránh né những đòi hỏi của dư luận cần phải được làm sáng tỏ. Trước đó chỉ vài tiếng đồng hồ, cuộc họp báo đã bị hoãn đột ngột mà không có lời giải thích thỏa đáng. Đó là lý do vì sao không chỉ có các nhà báo mà dư luận xã hội vô cũng bực tức. Như bình luận của báo Tuổi trẻ khi cho rằng "Cuộc họp báo kỳ quặc này đã kết thúc ngay sau phát biểu của ông Nhân khiến đại diện các cơ quan báo chí tham dự cuộc họp báo phẫn nộ, phản ứng.". Thêm vào đó là động thái của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng về thăm tỉnh Hà tĩnh. Tại đây, có đến thăm Formosa trong những ngày này, song lại hoàn toàn không ngó ngàng gì đến việc cá chết trắng biển và cuộc sống của ngư dân ở ở Hà Tĩnh.
Phát biểu vô trách nhiệm của Phó Chủ tịch tỉnh Hà tĩnh ông Đặng Ngọc Sơn khi kêu gọi rằng, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở khu vực Vũng Áng, hay nhận định mâu thuẫn của Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân khi nhận định về nguyên nhân khi cho rằng, do tác động độc tố hoá học của con người và trên biển; do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ và hiện chưa thấy mối liên hệ với hoạt động của Formosa với tình trạng cá chết hàng loạt. Những phát biểu này như đổ thêm dầu vào lửa, đã khiến cộng đồng vô cùng phẫn nộ. Sự xuất hiện của lời kêu gọi xuống đường vì môi trường trong sạch, rất đúng thời điểm đã đánh trúng nguyện vọng của đông đảo người dân.
Sự tiến bộ vượt bậc
Cùng thời điểm đó, trên mạng xã hội cũng như hệ thống truyền thông tự do đã xuất hiện "Lời kêu gọi xuống đường vì môi trường" của Nhóm VÌ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM, với chủ đề: Vì môi trường trong sạch. Theo đó, kêu gọi mọi người tập hợp vào 9h00 sáng ngày 1/5/2016, ở Hà nội tại Nhà hát lớn và Công viên 30/4 tại Sài gòn. Ngoài ra, lời kêu gọi còn đề nghị mọi người ở bất cứ nơi nào có thể biểu thị với một biểu ngữ trong tay và một tài khoản Facebook.
Các diễn biến trong cuộc xuống đường tuần hành vì môi trường ngày 1/5/2016 cho thấy một kết quả đáng khích lệ. Số lượng lần người tham gia lần này đông hơn lần trước và tinh thần của người dân đã bớt sợ, thậm chí là không còn sợ hãi. Theo RFI cho biết, các mạng báo chí xã hội, biểu tình đông nhất là tại Hà Nội 2.000 người và thành phố Hồ Chí Minh 3.000 người. Nếu xem clip video của một người nước ngoài quay lại cảnh dòng người biểu tình rất đông từ tầng cao một khách sạn tại Sài Gòn sẽ thấy ước tính này là hoàn toàn có cơ sở. Ngoài 2 thành phố lớn kể trên, tại các địa phương khác như Quảng Bình, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu… cũng có biểu tình, nhưng ở quy mô nhỏ không đáng kể. Việc báo chí nhà nước hoàn toàn không loan tin về các cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật 01/05 cho thấy họ rất ngại khi nhắc đến chuyện phản kháng của nhân dan, nhất là trong thời điểm này.
Có lẽ vì mục đích cuộc xuống đường lần này liên quan đến môi trường, liên quan đến sự sống của mỗi người và sâu xa hơn là liên quan đến sự tồn vong của cả dân tộc. Vì thế đã có rất nhiều người chưa bao giờ xuống đường hay chưa từng tham gia các sinh hoạt chính trị đường phố. Nhưng hôm nay họ đã tham gia, vì đa số người dân rất phẫn uất trước sự "vô trách nhiệm" của chính quyền trước thảm họa môi trường ở miền Trung.
Điểm tiêu biểu nhất, là sự đồng lòng, đồng loạt trong cùng một thời khắc đã được ấn định trước: 9h00 sáng. Cũng như Hà nội, ở Sài gòn cũng thế, đúng giờ G, đám đông hàng trăm người đã được hình thành một cách nhanh chóng là điều khiến người ta không ngờ tới. Tất cả đều xuất phát từ ý chí cũng như sự quyết tâm của những người tham gia biểu tình để có được. Rồi đám đông được nhân lên theo thời gian, dọc các con đường mà đoàn biểu tình tuần hành qua đã thu hút thêm được một lực lượng khá đông đảo. Đặc biệt trong cuộc xuống đường lần này, là có rất nhiều khuôn mặt mới đặc biệt là giới trẻ tham gia rất đông. Đây là một sự tiến bộ vượt bậc. Dù rằng, về danh nghĩa cuộc xuống đường này không có tổ chức cũng như người lãnh đạo.
Việc chính quyền Hà nội vẫn theo truyền thống, tỏ ra cởi mở hơn với những người biểu tình, thông qua việc yêu cầu người biểu tình đi trên vỉa hè và tạo sự thuận lợi cho đoàn tuần hành mỗi khi qua các ngã tư là hành động đáng hoan nghênh. Dù rằng ở đây cũng xảy ra các xô xát, nhưng không đáng kể. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền bị công an chặn lại không cho tham gia và Reuters cho biết lực luợng an ninh cảnh sát được bố trí rất đông nhưng không đàn áp như những lần trước. Nhưng ngược lại, chính quyền thành phố Sài gòn vẫn với một truyền thống "khát máu", trong âm thanh của tiếng loa phóng thanh, với các lời kêu gọi ôn hòa, thì họ đã để cho nhân viên công vụ chủ động gây hấn nhằm kiến cớ đánh đập dã man người biểu tình. Đây là một hành động không thể chấp nhận được trong một thế giới văn minh như ngày nay. Tuy vậy, những hành động trấn áp thô bạo như vậy hoàn toàn không làm cho người biểu tình sợ hãi và ngược lại nó lại có tác dụng kích thích người biểu tình say máu và quyết tâm hơn. Bởi kinh nghiệm trong các cuộc biểu tình từ trước đến nay trên thế giới đã cho thấy, yếu tố bạo lực từ mọi phía luôn đóng vai trò châm ngòi, để tạo ra bước ngoặt của cuộc biểu tình, theo xu hướng mạnh mẽ hơn.
Các bài học
Việc nhà nước Việt nam tránh né, trì hoãn việc ra luật Biểu tình, thể hiện sự lúng túng và bất lực của họ. Phải coi đây là điểm yếu, là tử huyệt cần phải khoét thật sâu. Hãy coi các cuộc xuống đường là các sinh hoạt chính trị hết sức bình thường của công dân, đã được Hiến pháp cũng như pháp luật Việt nam thừa nhận. Chính vì vậy, các cuộc xuống đường cần phải tạo ra một không khí thực sự vui vẻ mang tính lễ hội. Đó là sự kết hợp của các ban nhạc, với các bài hát hành khúc cùng với hệ thống loa phát thanh được sử dụng nhằm gây hưng phấn và để thu hút người tham gia. Những việc như thế cần phải được tính đến trong thời gian tới.
Đã đến lúc các cuộc xuống đường cần sự tổ chức một cách có bài bản và phải nhận được việc yểm trợ công khai về mặt tài chính, để có thể kéo dài hơn về mặt thời gian. Người tham gia biểu tình phải được phục vụ cơm ăn, nước uống, thậm chí là nhà vệ sinh, nhà tắm... Điều này, hy vọng rằng các tổ chức và cá nhân trong nước, đặc biệt là ở hải ngoại họ sẽ chung tay ủng hộ và hỗ trợ. Chúng ta hãy tạo điều kiện cho họ để góp sức, nếu không thì họ mãi bị mang tiếng là đánh võ mồm để xúi giục.
Tại Sài gòn, các hoạt động với phong các trẻ của những nhóm sinh viên đã tạo nên sự chú ý. Đây là một điểm cần được học tập và phát huy. Việc trong một thời gian dài, lực lượng học sinh sinh viên không được quan tâm và lôi kéo là thiếu sót đáng tiếc. Song cũng cần nghiêm túc để trả lời câu hỏi "Đã có những tấm gương đủ để thuyết phục và cuốn hút tầng lớp này hay chưa?"
Trong điều kiện các cuộc biểu tình, các lễ kỷ niệm, tưởng niệm trước đây, do những nhóm Xã hội Dân sự và các nhà hoạt động xã hội khởi xướng thường thu được ít kết quả. Với vài chục khuôn mặt quá quen thuộc không có sức hấp dẫn và lôi cuốn người dân tham gia. đặc biệt là tầng lớp trí thức. Trước cuộc xuống đường vì môi trường lần này nổ ra, đã có một số người đánh giá thấp, vì họ cho rằng, các khuôn mặt cũ quá quen thuộc của phong trào dân chủ sẽ là một tác nhân khiến người dân không muốn tham gia, bởi vì họ không muốn bị mang tiếng bị lợi dụng(!?). Nhận định này hoàn toàn là có cơ sở. Như nhà hoạt động xã hội nổi tiếng Nguyễn Chí Tuyến - thủ lĩnh của NO-U FC đã viết trên trang facebook cá nhân ngay sau khi biểu tình kết thúc rằng: "Viết riêng cho những thằng em bị giam cầm tại gia sáng nay: Có những lúc sự có mặt của bọn mày lại khiến người khác tụt hứng đấy. Vậy nên, đừng có hậm hực giòi bò trong xương. Hãy vào cọ toilet cho vợ đi!". Đây là một sự thật cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Việc các hãng truyền thông quốc tế đều có chung một nhận xét rằng, trong đoàn hàng ngàn người biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn trong sáng hôm nay thiếu vắng một số nhà hoạt động công khai vì quyền con người lâu nay. Phải chăng đây cũng là tác nhân khiến cho cuộc biểu tình ngày 1/5/2016 đã trở về đúng nghĩa cho một cuộc xuống đường vì môi trường?
Kết
Cuộc xuống đường vì môi trường ngay 1/5/2016 đã cho thấy, đã đến lúc chính quyền hiện tại phải làm hết khả năng của mình để xử lý cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay, điều được coi là một thảm họa sẽ mang lại những di hại vô cùng lớn cho đất nước trong thời gian tới. Bằng không, thì khi đó chắc chắn người dân sẽ đổ ra đường đông gấp hàng chục, thậm chí là hàng trăm lần như đã thấy hôm nay. Đến lúc đó chắc chắn bạo lực của chính quyền khó có thể dập tắt được.
Việc các quan chức Việt nam trong những ngày này, đã có các quyết định nhằm giải quyết khủng hoảng và lấy lòng dân, đã cho thấy họ nhận thức được điều cực kỳ nguy hiêm đó. Mà việc ngư dân ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã chặn quốc lộ 1 A để ra các yêu sách và nhanh chóng được phía chính quyền đáp ứng đã cho thấy điều đó.
Chắc chắn rằng, cuộc xuống đường tuần hành vì môi trường ngày 1/5/2016 đã giúp cho mọi người hy vọng và tin tưởng vào sự nhiệt thành của người dân. Họ hoàn toàn không vô cảm với chính trị như người ta lầm tưởng bấy lâu nay, họ có đủ lý trí một khi quyền lợi trực tiếp của họ bị xâm phạm. Nhất là điều đó được sử dụng đúng lúc, đúng cách và lòng nhiệt tình của người dân không bị lạm dụng cũng như lợi dụng.
Ngày 01/05/2015
© Kami
(Blog RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét