Thông Báo 11 – Trịnh Hội, Hãy Đối Diện Với Sự Thật! - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Thông Báo 11 – Trịnh Hội, Hãy Đối Diện Với Sự Thật!

ad728
Đôi lời: Tôn trọng tính thông tin đa chiều và để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trân trọng đăng nguyên bài "Thông Báo 11 – Trịnh Hội, Hãy Đối Diện Với Sự Thật!", do ông Nguyễn Thanh Tú con trai của cố ký giả Đạm Phong gửi tới VA News từ Houston, Texas, USA, để bạn đọc xa gần tham khảo và chia sẽ.

Hoàng Tứ Duy (trái), Trịnh Hội (phải). Ảnh minh họa
Ngày 2 tháng 5, 2016


Cách đây đúng 4 tuần tôi phổ biến bản Thông Báo Số 7, nêu lên việc Trịnh Hội đã dối gạt tôi khi khẳng định rằng:

  • Vào thời điểm đầu năm 2007, Trịnh Hội không quen thân với Hoàng Tứ Duy cho lắm, không biết gì nhiều về Duy, nói chi đến các đảng phái, hội đoàn chính trị mà Hoàng Tứ Duy tham gia.
  • Trong quá khứ hay hiện tại VOICE cũng không có tổ chức bất kỳ sinh hoạt nào với Việt Tân.

Tôi tin Trịnh Hội cho đến khi nhận được thông tin từ nhiều nguồn cho thấy sự thật hoàn toàn ngược lại. Ngày 3 tháng 4, tôi ra Thông Báo Số 7 để đặt câu hỏi với Trịnh Hội về những mâu thuẫn giữa thực tế và những lời khẳng định của Trịnh Hội.

Ngày 21 tháng 4, Ông Đoàn Việt Trung, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị của VOICE, đưa ra “Thông Cáo về Tin Đồn VOICE là tổ chức của Việt Tân”, đăng trên báo Người Việt: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=226685&z=3&template=viewtemplatephone.htm

Tiếp theo, ngày 25 tháng 4, Trịnh Hội viết bài trần tình “Việt Tân, VOICE và Tôi”, cũng đăng trên báo Người Việt: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=226904&z=12&template=viewtemplatephone.htm

Cả Thông Cáo của Hội Đồng Quản Trị lẫn bài trần tình của Trịnh Hội đều không đả động gì đến những gì tôi nêu ra mà lại dựng lên một vấn đề khác để rồi tự trả lời, rằng Trịnh Hội không là đảng viên Việt Tân và VOICE không là tổ chức của Việt Tân. Những ai không theo dõi diễn tiến từ đầu có thể hiểu lầm rằng Trịnh Hội và VOICE đã bị cáo buộc oan và nay đã tự minh oan một cách thoả đáng.

Để tránh sự hiểu lầm do thái độ nhập nhằng ấy, dưới đây tôi nhắc lại những điều mà tôi đã nêu ra trong Thông Báo Số 7 và cung cấp thêm chứng cớ về những điều khuất tất liên quan đến VOICE và Trịnh Hội. Tôi mong rằng báo Người Việt, trong tin thần công bằng và cân bằng của ngành báo chuyên nghiệp, sẽ đăng bài viết này của tôi như đã đăng Thông Cáo Báo Chí của VOICE và lời trần tình của Trịnh Hội.

Việt Tân, VOICE và Trịnh Hội

 Tôi chưa bao giờ nói rằng VOICE là tổ chức của Việt Tân. Những thông tin mà tôi nhận được cho thấy rằng VOICE là “công cụ” của Việt Tân vì:

  • Trong thời gian từ 2007 đến 2009, VOICE là trạm trung chuyển đưa người của Việt Tân từ Việt Nam sang Thái Lan cho đến khi bị chính quyền Campuchia khám phá và trục xuất năm 2009.
  • VOICE sau đó chuyển sang Phi Luật Tân và làm trạm trung chuyển đưa người của Việt Tân từ Việt Nam sang Phi Luật Tân.
  • Ngay từ năm 2007 VOICE đã làm công tác tuyển người cho Việt Tân để cài vào khoá huấn luyện nhân quyền của Ls. Nguyễn Văn Đài, dẫn đến việc Ls. Đài bị bắt ít lâu sau.
  • VOICE đồng tổ chức Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Thế Giới Kỳ 6 ở Manila năm 2011, mà tại đây Thái Văn Dung đã bị chính đảng Việt Tân bội phản và giao nạp cho công an Việt Cộng. Đại hội này là sinh hoạt do Việt Tân dựng nên và kiểm soát.
  • Cô Lisa Thuỳ Dương Nguyễn, khi đang là Giám Đốc Điều Hành của VOICE đã chính thức phối hợp với Việt Tân trong Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Thế Giới Kỳ 5 ở Kuala Lumpur năm 2008.

Tôi không thấy Ông Đoàn Việt Trung và Hội Đồng Quản Trị của VOICE trả lời về những điểm nêu trên. Tôi hiểu tại sao: Chính Ông Đoàn Việt Trung là người đã móc nối để Trịnh Hội làm việc với Việt Tân từ năm 2001, như tôi sẽ trình bày ở một phần sau.

Tôi cũng chưa bao giờ nói rằng Trịnh Hội là đảng viên Việt Tân để Trịnh Hội phải phân trần. Tôi chỉ nói rằng Trịnh Hội đã dối gạt tôi khi khẳng định rằng, vào thời điểm đầu năm 2007, Trịnh Hội không biết gì nhiều về Hoàng Tứ Duy. Bài viết ngày 20 tháng 3, 2012 trên Blog VOA mà Trịnh Hội gởi cho tôi như là dẫn chứng cho điều này có viết rằng:

“Thật ra trước đây tôi không quen thân với [Hoàng Tứ] Duy cho lắm. Duy lớn lên và sống ở Mỹ. Còn tôi thì ở tuốt bên Úc, sau này học ra trường lại sang Philippines làm việc. Vì vậy tôi đã không biết gì nhiều về Duy, nói chi đến các đảng phái, hội đoàn chính trị… Ngày tôi chuyển về Việt Nam đi làm vào năm 2007 thật tình tôi cũng chẳng biết Duy là đảng viên của đảng Việt Tân (và ít lâu sau là phát ngôn viên của đảng).”

Nghĩa là theo lời của Trịnh Hội, vào thời điểm năm 2007, Trịnh Hội chưa quen biết gì nhiều với Hoàng Tứ Duy, con trai của đầu lãnh Việt Tân Hoàng Cơ Định và hiện là phát ngôn nhân của Việt Tân. Thế nhưng rõ ràng là Hoàng Tứ Duy đã cùng Trịnh Hội đồng sáng lập VOICE đầu năm 2007. Nghĩa là trước đó đã phải liên lạc, bàn bạc, hợp tác thường xuyên, ít ra là từ năm 2006, để thảo hiến chương, nội quy, điều lệ, chọn tên… trước khi đăng ký hoạt động và xin quy chế miễn thuế của chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ. Như thế, Trịnh Hội đã dối gạt không những riêng tôi mà tất cả những ai đọc và tin vào bài viết trên trang blog VOA. Đây là bài viết trên blog VOA của Trịnh Hội để mọi người phối kiểm: http://www.voatiengviet.com/content/viet-tan-03-20-2012-143504746/1120113.html

Và đây là Thông Báo Số 7 của tôi để mọi người phối kiểm rằng tôi không hề cáo buộc rằng Trịnh Hội là đảng viên Việt Tân hay VOICE là tổ chức của Việt Tân: https://damphong.com/2016/04/04/159/

Chẳng qua VOICE và Trịnh Hội dùng phương pháp quỷ biện: minh oan một lời cáo buộc do chính mình dựng lên để tránh những thực tế không thể nào giải thích. Đó là cách hành xử không lương thiện.

Hoàng Tứ Duy và VOICE

Trước chứng cớ rành rành, Thông Cáo Báo Chí của VOICE và bài viết của Trịnh Hội đã phải thừa nhận, lần đầu tiên, rằng Hoàng Tứ Duy là thành viên Hội Đồng Quản Trị của VOICE từ năm 2007 đến 2010. Trong suốt gần 10 năm qua họ giấu nhẹm điều này.

Thông Cáo Báo Chí của VOICE viết:

“Việc ông Hoàng Tứ Duy, đảng viên kiêm phát ngôn viên của Việt Tân hiện nay, từng là thành viên Hội Ðồng Quản Trị của VOICE từ năm 2007 đến năm 2010, không tạo ra mối quan hệ nào về mặt tổ chức giữa VOICE và Việt Tân. Ông Hoàng Tứ Duy tham gia Hội Ðồng Quản Trị của VOICE khi đó với tư cách cá nhân, không phải với tư cách đại diện của Việt Tân.”

Tuy thừa nhận Hoàng Tứ Duy ở trong Hội Đồng Quản Trị của VOICE từ năm 2007, nhưng Thông Cáo Báo Chí lại lờ đi vai trò “đồng sáng lập ra VOICE” của Hoàng Tứ Duy – một chi tiết quan trọng. Nó cũng không đả động gì đến những hoạt động của VOICE nhằm phục vụ cho Việt Tân, dĩ nhiên là do ảnh hưởng của Hoàng Tứ Duy, như tôi đã trưng dẫn ở Thông Báo Số 7.

Trong bài trần tình đăng trên báo Người Việt, Trịnh Hội viết: “Cũng nhờ tôi quen với Hoàng Tứ Duy trước đó (người sau này trở thành phát ngôn viên của Ðảng Việt Tân) vào khoảng cuối thập niên 1990 tại một trại hè được tổ chức ở Melbourne, Úc Châu mà tôi đã làm quen với các bạn bè thân hữu cùng trang lứa ở Washington DC, trong đó có Châu Nguyễn và anh Ngọc Chu là hai người mà cho đến nay chúng tôi vẫn là những người bạn tốt của nhau… Vào năm 2002 lúc tôi mới sang Washington DC để vận động thật lòng tôi không quen biết nhiều. Chính Duy là người đã cho tôi vào ở nhà của Duy nhiều lần tại Washington DC để có chỗ ăn ở và làm việc trong lúc vận động.”

Hoá ra là Trịnh Hội đã quen biết Hoàng Tứ Duy từ cuối thập niên 1990 và đã ăn ở tại nhà của Hoàng Tứ Duy năm 2002, và chính Hoàng Tứ Duy đã giới thiệu cho Trịnh Hội Ông Nguyễn Văn Châu và Bs. Chu Quang Ngọc, là những người thân thiết của Hoàng Tứ Duy, để 4 người kết lại và đồng sáng lập VOICE năm 2007.

Và cũng trong bài trần tình, Trịnh Hội xác nhận rằng Hoàng Tứ Duy đã ở trong Hội Đồng Quản Trị của VOICE cho đến năm 2010: “vào năm 2010, Thùy Dương, Duy, Châu và Anh Ngọc đã quyết định theo đuổi việc làm riêng của họ nên cũng từ đó họ đã không còn cộng tác với VOICE như lúc ban đầu.”

Hoàng Tứ Duy đồng sáng lập ra VOICE đầu năm 2007 cùng với 2 người bạn của Ông ta và Trịnh Hội. Đến năm 2010 Hoàng Tứ Duy mới rời khỏi Hội Đồng Quản Trị của VOICE. Thế nhưng VOICE đã hoàn toàn giấu nhẹm điều này. Trang web của VOICE, các bản tin của VOICE, các tài liệu của VOICE đều không nhắc đến Hoàng Tứ Duy là thành viên Hội Đồng Quản Trị sáng lập ra VOICE. Thậm chí, trong bản tin mùa hè 2009, giới thiệu Hội Đồng Quản Trị nhiệm kỳ 2009-2010, Hoàng Tứ Duy cũng không hề được nhắc đến (xem dưới đây) dù vẫn ở trong Hội Đồng Quản Trị. Tại sao?

Xem: http://xa.yimg.com/kq/groups/10353760/1198418633/
Xem: https://vietnamvoice.wordpress.com/2010/04/20/voice-and-senhoa-separate/
Bản tin của VOICE ở trên cho thấy Maxwell Võ là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị, cùng lúc với Hoàng Tứ Duy là thành viên “bí mật” nhiệm kỳ 2009-2010. Là Chủ Tịch, Maxwell Võ chắc chắn biết rõ về hoạt động của VOICE ở Siem Reap, Cambốt. Ông ta chắc chắn phải biết rằng  VOICE bị chính phủ Cambốt trục xuất năm 2009 là vì đã chuyển người cho Việt Tân từ Việt Nam sang Thái Lan. Maxwell Võ nay lại trở lại trong Hội Đồng Quản Trị đương nhiệm của VOICE.

Ngoài ra, bài trần tình của Trịnh Hội cũng nói sai về Lisa Thuỳ Dương: Cô ta đã rời khỏi VOICE vào cuối năm 2009 sau khi VOICE bị trục xuất khỏi Siem Reap, chứ không phải năm 2010.  Lisa Thùy Dương biến chương trình Senhoa của VOICE thành một tổ chức mới, Senhoa Foundation, để quay trở lại Siem Reap còn VOICE thì di chuyển sang Phi Luật Tân. Dưới đây là chứng cớ Lisa Thuỳ Dương đã tách ra khỏi VOICE vào đầu tháng 12, 2009. Tuy nhiên, rất có thể Senhoa Foundation chỉ tách khỏi VOICE về hình thức để rồi tiếp tục trá hình hoạt động chống buôn người nhưng thực tế là làm công cụ cho Việt Tân, y hệt như VOICE.

VOICE bắt đầu hoạt động năm nào?

Khi một người hay một tổ chức đã nói dối về những chi tiết căn bản về thân thế, thì không còn sự khả tín cho bất kỳ lời tuyên bố nào nữa. Chúng ta nên thận trọng tuyệt đối không đóng góp hoc cho phép bất kỳ người nào hay tổ chức nào trục lợi trên tấm lòng của chúng ta dành cho đồng bào ở Việt Nam hay mượn danh nghĩa đấu tranh cho nhân quyền để thực hiện những mục tiêu ngầm kín khác.  Trong bài trần tình đăng trên báo Người Việt, Trịnh Hội viết: “…vào năm 2007 khi tôi quyết định thành lập VOICE, tôi đã mời cả ba người, Duy, Châu, và anh Ngọc vào làm thành viên trong Hội Ðồng Quản Trị đầu tiên của VOICE.”

Thế nhưng, cũng trên báo Người Việt, bản tin dưới tựa đề “VOICE gây quỹ tái định cư ‘những thuyền nhân cuối cùng’” thì lại ghi: “VOICE là tổ chức bất vụ lợi, được miễn trừ thuế, do luật sư Trịnh Hội sáng lập năm 1997 và có quy chế chính thức năm 2007.” Xem: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=211343&zoneid=3
Như thế, có sự sai biệt đến 10 năm, hoặc 1997 hoặc 2007, về thời điểm VOICE được sáng lập.  Y hệt như Việt Tân, mặc dù Hoàng Cơ Minh đã chết, nhưng không được dảng cho phép chết cho đến 14 năm sau.

Nếu VOICE được sáng lập năm 2007 thì những thành tích trước năm 2007 mà VOICE liệt kê trên trang mạng của mình thực ra phải thuộc về ai, tổ chức nào khác chứ không phải là của VOICE. Những thành tích đó là:

Xem: http://vietnamvoice.org/about-us/
2000 – 2002: Định cư 230 thuyền nhân Việt Nam từ Phi Luật Tân sang Úc.

2004 – 2007: Định cư 1,537 thuyền nhân Việt Nam từ Phi Luật Tân sang Hoa Kỳ.

2005 – 2009: Vận động đưa 200 thuyền nhân Việt Nam từ Phi Luật Tân đi Canada.

Tìm hiểu trên internet, người ta có thể thấy rằng Trịnh Hội đến Phi Luật Tân năm 1997 trong tư cách là “đại diện” cho LAVAS, viết tắt từ chữ Legal Assistance for Vietnamese Asylum Seekers. LAVAS là chương trình của BPSOS thành lập tháng 11 năm 1990, và năm 1992 thì trở thành một tổ chức “bán tự trị” dưới sự điều động của BPSOS và với sự yểm trợ của nhiều tổ chức: Liên Hội Người Việt Canada, International Human Rights Society, Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt Ở Hoa Kỳ, Vietnamese Refugee Sponsorship Coordinating Council of Canada, Council of Vietnamese Refugee Supporting Organizations in Australia (COVRSOA)… Đường link dưới đây cho thấy ngày 25 tháng 3, 1999 Trịnh Hội gởi bản tường trình cho BPSOS, LAVAS và COVRSOA trong tư cách là “người đại diện” (representative) cho LAVAS ở Phi Luật Tân. Xem: https://groups.google.com/forum/#!topic/soc.culture.vietnamese/12B-cCzLPG8

Cũng theo đường link này, văn thư ngày 27 tháng 3, 1999 của LAVAS cho thấy rằng các tổ chức BPSOS, COVRSOA và LAVAS đã gây quỹ từ 1997 đến 1999 và tiếp tục gây quỹ để tài trợ cho cho nhân sự làm việc ở Phi Luật Tân: “Chúng tôi cung cấp nơi ăn chốn ở, trợ cấp đủ để sinh sống, và chi phí khứ hồi đi và trở về quốc gia cư trú (We’ll provide room and board, sufficient stipend for living expenses and round-trip airfare to and from the country of origin).”

Nhà văn Triều Phong, tên thật là Trần Phương Ngôn, là một người trong cuộc và biết rõ những sự việc này. Ông đã viết trên Việt Báo như sau: “Với sự giúp đỡ bảy trăm đô la ($700.00) ban đầu của Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc BPSOS, từ Mỹ gửi qua cùng nỗ lực to lớn của Cô Hằng Phương, một huynh trưởng cấp tập của gia đình phật tử theo chồng là bác sĩ người Phi hồi hương về nước năm 1975, Sư Cô Thích Nữ Diệu Thảo đã thuê được một căn nhà làm ‘Niệm Phật Đường’ tại Merville-Paranaque với giá mười lăm ngàn pesos ($500.00) một tháng. Rồi hàng tháng anh phải gửi qua giúp Niệm Phật Đường cả ngàn đô để trang trải cho chi phí thuê nhà, cũng như tiền điện, tiền nước tiền ăn uống và đi lại của luật sư.v.v.” Xem: http://vvnm.vietbao.com/a227561/vui-buon-chang-cuoi-tu-phi-toi-my

Như thế Trịnh Hội là nhân viên LAVAS trong thời gian 1997 đến 1999 và được tài trợ về ăn ở, vận chuyển, đời sống. Lúc ấy hoàn toàn không có VOICE. Theo nhà văn Triều Phong, trước Trịnh Hội có Ls. Nguyễn Hoàng Vũ đến từ Úc, cô Trà My đến từ Hoa Kỳ, và sau Trịnh Hội là Ls. Phan Song Liên Phúc đến từ Úc và Nguyễn Quân đến từ Hoa Kỳ. Tất cả đều phục vụ trong  chương trình LAVAS và được tài trợ bởi BPSOS.

Bản tin trên Việt Báo đề ngày 8 tháng 9, 2000 cho thấy là sau khi Trịnh Hội rời khỏi Phi Luật Tân và được thay thế bởi Ls. Phan Song Liên Phúc, BPSOS cùng với LAVAS tiếp tục vận động cho thuyền nhân Việt Nam ở Phi Luật Tân được đi định cư ở các quốc gia Tây phương. Xem: https://vietbao.com/a80042/quoc-hoi-phi-ung-ho-cuoc-van-dong-cua-thuyen-nhan

Và mãi đến năm 2005, khi gây quỹ để định cư cho gần 2 nghìn cựu thuyền nhân ở Phi Luật Tân vào Hoa Kỳ thì vẫn chỉ có LAVAS chứ không có VOICE. Xem bài báo của Houston Chronicle: http://www.chron.com/news/houston-texas/article/Stranded-Vietnamese-a-concern-to-local-community-1640265.php

Tìm khắp internet cũng không hề thấy thông tin nào về VOICE trước năm 2007. Thế thì tại sao Trịnh Hội và VOICE lại nhập nhằng về thời gian thành lập khi thì năm 1997, khi thì 2007? Điều này rất giống với Việt Tân đã nhập nhằng về thời gian thành lập, năm 1982 hay năm 2004?
Sự nhập nhằng này đặt dấu hỏi về những khoản gây quỹ dưới danh nghĩa LAVAS trong những năm 2005 và 2006, mà có nguồn tin cho biết đã lên trên 300 nghìn USD. Theo bài báo Houston Chronicle kể trên thì tên “LAVAS” mà Trịnh Hội dùng để gây quỹ không phải là LAVAS nguyên thuỷ, một tổ chức bán tự trị của BPSOS. Nó là một LAVAS mới được đăng ký ở California và chỉ được dùng cho việc gây quỹ, sau đó thì biến mất. Như thế thì số tiền thu được đã đi về đâu? Tôi không tìm thấy bất kỳ bản báo cáo tài chính nào về số tiền đã thu được và đã chi tiêu ra sao.

Ông Đoàn Việt Trung, Việt Tân và VOICE

Sự liên hệ của Ông Đoàn Việt Trung, đương kim Chủ Tịch của VOICE, với Việt Tân có thể làm sáng tỏ những dấu hỏi ấy.

Như đã nhắc đến ở trên, ngày 25 tháng 3, 1999, Trịnh Hội gởi báo cáo cho BPSOS, COVRSOA và LAVAS. Ông Đoàn Việt Trung ở trong số người nhận:

  • Nguyen Manh Tien       COVRSOA/Australia
  • Doan Viet Trung       COVRSOA/Australia
  • Nguyen Dinh Thang     BPSOS/USA
  • Nguyen Quoc Lan         LAVAS/USA
  • Mrs Tuyet Nguyet         Arts of Asia/Hong Kong

Ông Đoàn Việt Trung được liệt kê là người đại diện cho COVRSOA, tức là Council of Vietnamese Refugee Supporting Organizations in Australia. Theo tôi được cho biết, đây là tập hợp của nhiều tổ chức ở khắp nước Úc cùng tranh đấu cho đồng bào thuyền nhân đang mắc nạn ở Đông Nam Á và Hồng Kông trong khoảng thời gian 1990 trở đi.

Sang đến năm 2001 thì Ông Đoàn Việt Trung trở thành Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu. Xem: https://vietbao.com/a51779/phong-van-ong-doan-viet-trung-chu-tich-cdnvtd-uc

Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ của Ông Đoàn Việt Trung không ai khác hơn là Bác Sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong, tham gia Việt Tân năm 1998 và hiện ở trong Trung Ương Đảng Việt Tân. Trước đó Ông là đồng sáng lập viên của Mạng Lưới Tuổi Trẻ Việt Nam Lên Đường và là Trưởng Ban Tổ Chức Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Thế Giới Kỳ I, tổ chức năm 1999 tại Melbourne, Úc. Mạng Lưới Tuổi Trẻ Việt Nam Lên Đường và Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Thế Giới đều là sản phẩm của Việt Tân. Trang mạng của Việt Tân ghi tiểu sử của ông ta như sau:

“Ông Nguyễn Đỗ Thanh Phong sinh năm 1970, tốt nghiệp Bác Sĩ Y Khoa và Chuyên Khoa tại Úc Đại Lợi. Ông đã tham gia tích cực vào các sinh hoạt cộng đồng kể từ khi đặt chân đến Úc Châu. Ông đã từng giữ trách vụ Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam Liên Bang Úc Châu (1997-1999) và là Trưởng Ban Tổ Chức Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Thế Giới Kỳ I (1999) tại Melbourne, Úc Châu. Ông cũng là đồng sáng lập viên của Mạng Lưới Tuổi Trẻ Việt Nam Lên Đường, một phong trào liên kết những giới trẻ Việt Nam ở trong và ngoài nước cho các hoạt động dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Trong sinh hoạt Cộng đồng, ông từng giữ trách vụ Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu (2001-2003). Ông cũng từng tham dự các cuộc điều trần với chính giới Úc Châu về tình hình Việt Nam . Ông tham gia Đảng Việt Tân từ năm 1998 và được bầu vào Trung Ương Đảng Bộ từ năm 2006 cho đến nay.” Xem: http://viettan.org/Thanh-Phan-Lanh-%C4%90ao,31.html

Ông Đoàn Việt Trung chắc chắn biết rõ về thân thế của Bs. Nguyễn Đỗ Thanh Phong khi mời ông ta làm Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ.

Sau khi trở thành chủ tịch CĐNVTD Liên Bang Úc Châu, Ông Đoàn Việt Trung đã cùng với Trịnh Hội và Bs. Nguyễn Đỗ Thanh Phong quyết định biến văn phòng LAVAS ở Phi Luật Tân thành Văn Phòng Đại Diện của CĐNVTD Liên Bang Úc Châu (Representative Office of the Vietnamese Community in Australia). Trịnh Hội đã từ Úc trở lại Phi Luật Tân để thực hiện kế hoạch này. Trong tư cách Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ, đảng viên Việt Tân Bs. Nguyễn Đỗ Thanh Phong chính thức trông coi văn phòng đại diện ở Phi Luật Tân và Trịnh Hội báo cáo trực tiếp với ông ta. Theo những nguồn tin mà tôi có thì đây là cuộc cưỡng đoạt hoạt động của một tổ chức khác do Việt Tân thực hiện dưới danh nghĩa CĐNVTD Liên Bang Úc Châu, mà Ông Đoàn Việt Trung lúc ấy đang là Chủ Tịch.

Trong bài trần tình, Trịnh Hội cũng phần nào úp mở về điều này: “tôi quen với Hoàng Tứ Duy… vào khoảng cuối thập niên 1990 tại một trại hè được tổ chức ở Melbourne, Úc Châu.” Nói chính xác thì đó là năm 1999, năm mà Bs. Nguyễn Đỗ Thanh Phong tổ chức Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Thế Giới Kỳ I tại Melbourne.

Chính VOICE đã phần nào thừa nhận việc “sang đoạt” trong phần tự giới thiệu:

http://vietnamvoice.org/about-us/, nhưng lại gian dối viết rằng văn phòng đại diện ở Phi Luật Tân của CĐNVTD Liên Bang Úc Châu đã hiện hữu từ năm 1997. Thực ra mãi đến đầu năm 2001, văn phòng LAVAS mới bị biến thành văn phòng đại diện của CĐNVTD Liên Bang Úc Châu theo kế hoạch do bộ ba Đoàn Việt Trung – Nguyễn Đỗ Thanh Phong – Trịnh Hội vạch ra. Sau đó Trịnh Hội đã đưa Lisa Thuỳ Dương, một người hoạt động chặt chẽ với Bs. Nguyễn Đỗ Thanh Phong từ năm 1999, đến Phi Luật Tân để trông coi văn phòng này.

Điều này cho thấy là Trịnh Hội đã giao du với người của Việt Tân từ năm 1999 và đã làm việc chặt chẽ với Việt Tân từ năm 2001. Nó cũng cho thấy Ông Đoàn Việt Trung đã hợp tác chặt chẽ với Việt Tân từ lâu và rất có thể chính ông ta đã móc nối Trịnh Hội với Việt Tân. Nay ông ta làm Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị của VOICE không là điều đáng ngạc nhiên. Và cả việc Ông Maxwell Võ, người biết rõ và đồng ý cho VOICE làm trạm trung chuyển cho Việt Tân ở Cambốt, nay quay trở lại làm thành viên Hội Đồng Quản Trị của VOICE cũng không có gì đáng để ngạc nhiên. Việc VOICE đã cùng với Việt Tân đồng tổ chức Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Thế Giới Kỳ 6 ở Phi Luật Tân với sự xuất hiện của Hoàng Tứ Duy (Phát Ngôn Viên Việt Tân), Angelina Huỳnh (Giám Đốc Điều Hành Việt Tân), Lilly Nguyễn (đảng viên Việt Tân, nhân viên của DB Loretta Sanchez và Phát Ngôn Viên của Đại Hội), Lisa Thuỳ Dương (Giám Đốc Senhoa Foundation) và Trịnh Hội (Giám Đốc VOICE) cũng không là điều đáng ngạc nhiên.

Và cũng không đáng ngạc nhiên khi Trịnh Hội, sau khi biến văn phòng LAVAS ở Phi Luật Tân thành một công cụ cho Việt Tân từ năm 2001, đã cùng một số người dựng nên một LAVAS giả vào năm 2005 với mục đích duy nhất là để gây quỹ và rồi không hề báo cáo thu và chi. Liệu số tiền ấy Trịnh Hội đã giữ riêng hay đã chuyển cho Việt Tân, hay cả hai?

Nhận xét cá nhân và lời kêu gọi

Trong bài trần tình đăng trên báo Người Việt, Trịnh Hội muốn khoả lấp những lời nói dối trước đây bằng những lời dối trá mới. Hội Đồng Quản Trị của VOICE đã ra thông cáo để trả lời một nghi vấn do chính họ dựng lên để không phải đối đáp với sự thật. Không những vậy, cả hai cùng dùng thủ đoạn đồng hoá những ai đặt dấu hỏi về VOICE với chế độ cộng sản.

Bản Thông Cáo Báo Chí của VOICE mở đầu như thế này: “…một số cá nhân và cơ quan an ninh Việt Nam đưa tin đồn rằng…” Còn Trịnh Hội thì mở đầu bài trần tình như sau: “Trong những năm vừa qua thỉnh thoảng tôi vẫn đọc được vài bài báo từ trong nước gán ghép cho tôi và VOICE… Ðặc biệt hơn là từ An Ninh Việt Nam và tờ báo Nhân Dân, tiếng nói chính thức của Ðảng Cộng Sản Việt Nam.”

Đấy là cách đánh phủ đầu hay “chụp mũ”,  thủ đoạn rất rẻ tiền, nhằm tránh né những sự thật mà họ không dám đối mặt.

Họ càng lên tiếng thì lại càng lòi ra nhiều điều khuất tất, nhiều chứng cứ về mối quan hệ ngầm ẩn giữa VOICE với Việt Tân. Để tiếp tục làm sáng tỏ mối quan hệ ấy, tôi xin đồng hương cung cấp thông tin về những vấn đề sau đây liên quan đến VOICE:

  • Sự thật về văn phòng hoạt động cho thuyền nhân ở Phi Luật Tân trong thời gian 1997-2006 mà Trịnh Hội khi thì nói đó là của VOICE khi thì bảo là thuộc Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu.
  • Sự thật về những ai, những tổ chức nào ở đằng sau các cuộc vận động cho cựu thuyền nhân ở Phi Luật Tân để được định cư ở Hoa Kỳ, Canada và Úc.
  • Các cuộc gây quỹ rầm rộ năm 2005-2006 dưới danh nghĩa LAVAS để giúp gần 2 ngàn cựu thuyền nhân ở Phi Luật Tân định cư vào Hoa Kỳ. Số tiền thu được là bao nhiêu, chi tiêu là bao nhiêu, ai nắm giữ, có khai báo với Sở Thuế Liên Bang?
  • Các cuộc gây quỹ của VOICE để định cư cựu thuyền nhân ở Phi Luật Tân và ở Thái Lan vào Canada. Có báo cáo tổng thu, tổng chi, số tiền còn lại là bao nhiêu và hiện nay ai đang nắm giữ?

Tôi cam đoan bảo mật mọi nguồn tin Damphong@hotmail.com.

Vì quan hệ mật thiết giữa Trịnh Hội và các đảng viên đầu lãnh của Việt Tân và sự hoạt động liền lạc giữa VOICE và Việt Tân, những nghi vấn kể trên là chính đáng và cần tìm câu trả lời. Chúng ta đã thấy rằng SBTN dựng nên Uỷ Ban Vận Động Chính Trị về Nhân Quyền Việt Nam để khuấy động lòng yêu nước của đồng hương nhằm gây quỹ rầm rộ với những hứa hẹn nghe thật cao thượng, nhưng thực tế thì họ đã sử dụng những đóng góp mồ hôi nước mắt của đồng bào cho những việc tiêu xài phung phí, phục vụ tư lợi hay tài trợ cho các đảng viên Việt Tân. VOICE cũng thế thôi, theo những thông tin mà tôi có được.

Tôi cũng xin Trịnh Hội và Hội Đồng Quản Trị của VOICE nếu có trả lời thì đừng loanh quanh lảng sang chuyện khác mà hãy đi thẳng vào những vấn đề tôi đã nêu ra.

Và với báo Người Việt, tôi thách đố đạo đức chuyên nghiệp trong ngành làm báo của các Anh: hãy đăng bài này của tôi mà không cắt xén.

Trân trọng,

Nguyễn Thanh Tú,
Con trai của một người cầm bút bị giết
trong việc theo đuổi chân lý và công lý
Tác giả gửi tới VA News từ Houston, Texas, USA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages