|
Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Phú Trọng nói Nghị quyết 4 đã chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của các đảng viên và xem đây là một “cuộc chiến đầy cam go” mà “khó mấy cũng phải thực hiện”.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, chuyên gia về Chính sách Công của Học viên Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng cho rằng tình trạng tiêu cực trong nội bộ Đảng đã ở mức độ rất nghiêm trọng. Ông nói với VOA:
“Tình hình là rất nghiêm trọng rồi. Có những vấn đề mà người ta đánh giá trong Nghị quyết 4 về ‘tự chuyển hóa, ‘tự diễn biến’, rồi đạo đức, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo thì đã trở thành vấn đề rất nghiêm trọng. Đảng thì thường ra rất nhiều nghị quyết những việc thực hiện nó rồi kết quả ra sao, báo cáo thì vẫn là tốt nhưng tình hình chuyển biến như thế nào thì là cả một vấn đề rất phức tạp”.
Ranh giới mong manh
Cũng trong bài phát biểu trước hội nghị hôm 9/12, ông Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc đến việc phải kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”. Ông nói “chúng ta không sợ nói ra khuyết điểm, tiêu cực” nhưng “cũng không cho phép ai lợi dụng việc đấu tranh khắc phục khuyết điểm, tiêu cực để bôi nhọ, kích động chống phá Đảng”.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Thọ, ranh giới giữa “chống tiêu cực” và “chống Đảng” là rất mong manh. Chuyên gia của Việt Nam nhận xét tình trạng tiêu cực trong Đảng qua các vụ chạy chức chạy quyền, tham nhũng, bổ nhiệm cán bộ “đúng quy trình” nhưng không đủ phẩm chất hay hiện tượng hàng loạt các cán bộ chạy ra nước ngoài khi “bị động”… đã đến mức đáng báo động, và việc chống tiêu cực trong Đảng là điều “hết sức khó khăn” vì nó đòi hỏi phải cải tổ, thay đổi cả một hệ thống.
Tiến sĩ Thọ nói:
“Phải có một sự đồng thuận rất cao. Tuy nhiên, nếu sự đồng thuận này còn có vấn đề, bởi vì trong số những lãnh đạo này đương trong quá trình người ta còn phải củng cố của chính họ, bởi vì nếu không có quyền lực thì anh không thể chống lại được những cái tiêu cực này, vì những tiêu cực này núp bóng những quyền lực mà từ xưa đến nay cũng rất lớn. Thậm chí Tổng bí thư cũng có lần nhắc là chống cái này là ‘ta chống ta’ nên rất là khó. Điểm thứ hai, bây giờ người ta nhấn mạnh đến vấn đề chống phá Đảng không phải là vấn đề ngoại xâm mà thường rất dễ nhận ra, với giặc nội xâm thì rất khó nhận ra. Cho nên việc này là phải hoàn thiện cả thế chế, cả điều lệ, quy chế trong Đảng nữa. Nếu không cải tổ Đảng trước thì việc chống này rất khó khăn”.
Gần đây trong những vụ bê bối liên quan đến công tác nhân sự như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng…, những hình thức kỷ luật của đảng Cộng sản như khai trừ Đảng, cảnh cáo… bị công luận cho là quá nhẹ và không có tác dụng, không hiệu quả.
Tiến sĩ Thọ nhận định:
“Cách làm vẫn là vũ khí ‘phê bình và tự phê bình’. Trong Đảng, đây là một vũ khí, cách làm quan trọng. Nhưng mà sau khi phê như thế này thì có đạt được vấn đề gì không? Sau đợt học tập Nghị quyết 4 này mà nếu không ra được những đồng chí nào hoặc những biểu hiện nào, những cá nhân cụ thể nào mà chỉ chung chung thôi thì chắc chắn là người ta sẽ thấy được tính hiệu quả thấp của việc này”.
Ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ
Trong hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn nhấn mạnh đến “tính chất nguy hiểm” và “hậu quả khôn lường” của tình trạng tự diễn biến, tự chuyển hóa. Ông Trọng nói tình trạng trên “liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta”.
Tiến sĩ Phạm Quý Ngọ cũng đồng ý với nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông nói tình trạng tiêu cực nghiêm trọng hiện nay trong Đảng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và của chế độ nếu không tìm ra giải pháp giải quyết hiệu quả.
Ông nói thêm với VOA:
“Tuy nhiên bây giờ làm như thế nào? Giải pháp như thế nào để làm thì đó là một bài toán hết sức khó. Cải tổ trong Đảng, trong Nhà nước như thế nào? Đây là vấn đề hết sức cấp bách, mà đặt ra thì có vẻ chưa được cụ thể và rõ ràng lắm. Học Nghị quyết xong nhưng còn những quy chế thì sửa như thế nào? Rồi tất cả những việc triển khai nghị quyết này vào trong thực tế, cũng như làm sao đấy để những vấn đề của Đảng, những nghị quyết, chỉ thị, chuẩn mực của Đảng phải được luật hóa để bên chính quyền, chính phủ làm. Nhưng liệu có làm được không? Cái đó là cái mà người ta đặt ra rất nhiều về vấn đề cải tổ trong thời gian tới”.
Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị tổ chức hội nghị trực tuyến trên toàn quốc để học tập nghị quyết. Ngoài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, còn có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh và các lãnh đạo chủ chốt khác tham dự hội nghị.
Khánh An
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét