|
Thư viện của Nha Giáo dục có khá nhiều sách. Ở đây tôi được đọc hai bộ sách lớn củả chủ nghĩa cộng sản: “Lịch sử Đảng cộng sản Liên xô” và “Những nguyên lý chủ nghĩa Lê Nin của Stalin”. Cũng ở đây tôi đọc quyển “Sửa đổi lề lối làm việc” của X.Y.Z. Giám đốc Hoàng Xuân Nhị giới thiệu “quyển này là một tác phẩm lớn của Hồ Chủ tịch”. Quyển sách khiến tôi tha thiết mong muốn được trở thành đảng viên cộng sản bởi câu này: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Trong sách này, Cụ Hồ cảnh báo cán bộ đảng viên chớ có làm “quan cách mạng”, cậy quyền, cậy thế, hũ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo… Bài “ Nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, đẩy mạnh phê bình tự phê bình” của Cụ Hồ tôi đọc như nuốt từng lời đã góp phần cho tôi được… “ngu lâu”.
Đặc biệt tại thư viện của Nha Giáo dục, tôi được đọc về cuộc tranh luận hồi năm 1948 trên báo Sự Thật của Đảng cộng sản Đông Dương (với danh nghĩa Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác) và báo Độc lập của Đảng Dân Chủ “Về vai trò của Tư pháp trong Nhà nước cách mạng Việt Nam”. Một bên là Quang Đạm biên tập viên của báo Sự Thật do Trường Chinh làm Tổng biên tập và bên kia là luật gia Vũ Trọng Khánh nguyên Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với sự hỗ trợ của luật gia Vũ Đình Hòe đương kim Bộ trưởng Tư pháp. Dù rất ham đọc, tôi không hiểu bao nhiêu. Tuy nhiên vấn đề gai góc đó buộc tôi tiếp tục tìm hiểu mãi. Còn hồi đó khi biết Cụ Hồ có quan điểm giống như Quang Đạm thì tôi ngờ rằng Vũ Trọng Khánh đã bị lý thuyết của bọn thực dân phương Tây đầu độc!
Quang Đạm viết “Tư pháp với Nhà nước” trên số báo 91 ngày 15–4–1948, sau đó bài “Tính chất chuyên môn trong Tư pháp” trên số báo 93 ra ngày 19–5–1948. Ông cho rằng: Trong xã hội có giai cấp không có gì nằm trên cuộc đấu tranh giai cấp. Tư pháp là mộtbộ phận của nhà nước được phân công vận hành để cùng với chính quyền phục vụ lợi ích giai cấp. Độc lập Tư pháp, Tam quyền Phân lập chỉ là huyền thoại nhằm che đậy bản chất áp bức của chế độ tư bản. Ở nước ta trước đây, chính quyền thực dân cũng đưa ra huyền thoại đó, nhưng tòa án của nó chưa bao giờ mang lại công lý cho nhân dân ta. Ông kêu gọi Tư pháp không nên “độc lập” mà nên “kết hợp” với chính quyền và phối hợp với tập quyền. Tức là Tư pháp phụ trách về chuyên môn, nhưng chịu sự lãnh đạo chung.(Hồi đó chưa nói là chịu sự lãnh đạo của Đảng). Ông cho rằng Tư pháp độc lập dễ trở thành đối lập.
Vũ Trọng Khánh, nhân danh một số “anh em có trách nhiệm về Tư pháp” trả lời Quang Đạm. Ông cho rằng luật cao hơn đấu tranh giai cấp. Luật không chỉ là công cụ của giai cấp thống trị mà còn là công cụ bảo vệ kẻ yếu chống lại kẻ mạnh và kẻ có quyền lực. Ông đặt câu hỏi cho Quang Đạm: “Khi điều 712 Dân luật bắt kẻ nào làm thiệt hại đến người khác thì phải bồi thường cho người ấy, và bộ Hình luật làm tội những kẻ đánh nhau hay giết người không vì cớ chính trị thì đó là bảo vệ ai và đàn áp giai cấp nào”?
Trả lời Quang Đạm về “Trạng thái độc lập Tư pháp sẽ chuyển thành đối lập”, ông Vũ Trọng Khánh viết: “Khi một người nào đó ra lệnh cho Tòa án phải xử thế này thế khác mà Tòa án không nghe theo thì chúng tôi cho rằng đấy là giữ quyền độc lập. Nếu ông Quang Đạm cho như thế là đối lập thì tôi muốn hỏi ông, khi các thẩm phán can thiệp vào việc hành chính hay chính trị thì các ủy ban hành chính sẽ cư xử thế nào để cho khỏi thành ra ‘đối lập’”? Ông Quang Đạm khuyên rằng: “Tư pháp phải kết hợp với nhà nước mà đối lập với các lực lượng phá hoại chính quyền. Không một bộ phận nào được tách mình ra khỏi khối đoàn kết”. Đáp lại những lời kỳ quặc ấy, tôi chỉ hỏi: “Các thẩm phán đứng trong hàng ngũ kháng chiến từ trước tới nay thì gọi là ở trong hay ở ngoài khối đoàn kết? Khi Tư pháp trừng trị kẻ bắt người trái phép, tha bổng cho những kẻ bị bắt vô chứng cứ thì đó là phá hoại chính quyền hay củng cố chính quyền”?
Ông Vũ Đình Hòe kế nhiệm ông Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã viết bài “Tư pháp trong chế độ dân chủ mới” (báo Độc lập tháng 7 năm 1948) cho rằng, nước ta từ thời cổ đại cho tới thời thuộc địa chưa bao giờ có nền Tư pháp độc lập. Chính Cách mạng Tháng Tám, có Hiến pháp 1946, nhân dân ta mới được hưởng hệ thống luật tiến bộ này. Ông nhắc rằng Tam quyền phân lập, Tư pháp độc lập đang là thể chế hiện tồn của nhà nước cách mạng chúng ta”.
Trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc hồi tháng 2 năm 1948, tức là 2 tháng trước khi xảy ra cuộc tranh luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tư pháp làmột cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì quyền lợi nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung cho cả tư pháp và hành chính”. Như vậy là từ năm 1948, Cụ Hồ đã dứt khoát đặt “đoàn kết, hợp tác” lên trên “độc lập tư pháp”! Hai năm sau, trong thư gửi Hội nghị Học tập của cán bộ ngành Tư pháp (từ ngày 2 tháng 5 đến 23 tháng 7 năm 1950) để cải cách tư pháp phục vụ tình hình mới, Cụ Hồ lại viết hoàn toàn giống những điều Quang Đạm đã viết trong cuộc tranh luận hồi năm 1948: “ Luật pháp là vũ khí của một giai cấp thống trị, dùng để trừng trị giai cấp chống lại mình; luật pháp cũ là ý chí của thực dân Pháp, không phải là ý chí chung của nhân dân ta. Luật pháp cũ đặt ra để giữ gìn trật tự xã hội thật, nhưng trật tự xã hội ấy chỉ có lợi cho thực dân phong kiến, không phải có lợi cho toàn thể nhân dân đâu. Luật pháp đặt ra trước hết là để trừng trị áp bức. Phong kiến đặt ra luật pháp để trị nông dân. Tư bản đặtra luật pháp để trị công nhân và nhân dân lao động. Luật pháp của ta hiện nay là ý chí của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng. Một điều nữa các chú cần nhớ là giai cấp thống trị sử dụng luật pháp kết hợp với những cái khác. Luật pháp của các giai cấp bóc lột đặt ra để áp bức các giai cấp bị bóc lột. Nếu nó đứng một mình thì bộ mặt áp bức của nó lộ rõ quá. Cho nên giai cấp phong kiến cho nó dựa vào cái khác. Cái ấy là cái gì? – Phong kiến cho luậtpháp dựa vào đạo đức của nó. Đạo đức phong kiến chủ yếu là cương thường: Tôn vua, kính thầy, yêu cha…”
Mặc dù luật gia Vũ Đình Hòe vẫn là Bộ trưởng Tư pháp, nhưng cuộc học tập rất quan trọng nói trên lại do ông Trần Công Tường, Thứ trưởng, bí thư Đảng đoàn Đảng cộng sản trực tiếp lãnh đạo! Đến năm 1960 nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xóa bỏ Bộ Tư pháp và các Trường luật. Từ đây, công dân Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sống trong thể chế Đảng công khai đứng trên pháp luật. Ông Vũ Đình Hòe khôn ngoan đã lùi dần để sinh tồn, đến cuối đời ông viết quyển sách có tựa đề “Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh” đề ra 5 yếu tố: 1– Yếu tố pháp quyền dân tộc và ảnh hưởng Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ; 2– Yếu tố pháp quyền quân chủ lập hiến của Vương quốc Anh qua các cuộc cách mạng dân chủ; 3– Yếu tố pháp quyền của Cách mạng Pháp dưới lá cờ Tự do, Bình đẳng, Bác ái; 4– Yếu tố pháp quyền công nông của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, với chuyên chính vô sản, dân chủ xã hội chủ nghĩa; 5– Yếu tố pháp quyền dân tộc dân chủ của cách mạng Trung Hoa trải qua hai lần Quốc Cộng hợp tác.
Bị tha hóa tệ hại, Vũ Đình Hòe nhìn chế độ toàn trị là chế độ pháp quyền nhân nghĩa và tìm cho nó “5 yếu tố” hết sức oái oăm! Ông Vũ Trọng Khánh là người dũng cảm bảo vệ những điều mình tin là đúng, ông đã bị dìm năm này sang năm khác, từ Bộ trưởng Bộ Tư pháp, xuống Chưởng lý tòa Thượng thẩm, Giám đốc tư pháp Liên khu 10, Trưởng ban nghiên cứu pháp lý, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hải Phòng, rồi Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hải Phòng, cuối cùng là chuyên viên trong một phòng thuộc cấp Sở, của thành phố Hải Phòng.
Không chấp nhận tư pháp độc lập, quyết liệt chống nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Quang Đạm cho đến Đại hội 12 của Đảng cộng sản năm 2016 là nhằm bảo vệ Đảng đứng trên nhân dân, đứng trên Hiến pháp và luật pháp.
Tống Văn Công
Viet-studies
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét