"Người nhà" khen
Bìa cuốn tiểu thuyết "Người tình Sài Gòn" |
“Người tình Sài Gòn” xoay quanh nhân vật Du cùng các mối quan hệ cũng như thế giới nội tâm của cô. Du là một cô gái cá tính luôn khao khát tự do, chọn Sài Gòn làm chỗ trú chân. Công việc hàng ngày của cô là gặp gỡ, trò chuyện với những người có yêu cầu giải tỏa mọi bức bối về tâm lý. Thế nhưng, trong cô luôn ngự trị một cảm giác cô đơn lạc lõng giữa Sài Gòn tấp nập.
Sau mối tình đầu lạ lùng với người đàn ông luôn thấy cô ngoại tình trong mơ, Du gặp và yêu Tú. Hai người luôn quấn vào nhau, say trong các cuộc tình thế nhưng sau đó họ là hai nửa tách biệt, gần như không có điểm chung. Những người bạn, người đàn ông khác xung quanh Du cũng có cuộc sống nội tâm khá phức tạp, bế tắc. Du luôn muốn bứt phá, giải thoát mình khỏi sa mạc trong thế giới nội tâm nhưng càng vùng vẫy, cô càng lún sâu hơn.
Nhiều người trong làng văn khen “Người tình Sài Gòn” sâu hơn, hay hơn hai tác phẩm đầu tay của Linh Lê và “nuột nà” hơn một số tác phẩm cùng thể loại.
“Đây là một câu chuyện tình thuần túy nhưng cách cô xử lý không hề sến. Cách kể chuyện tưởng chừng nhẹ nhàng, mà gây ám ảnh hay cắt cứa. Cách Linh Lê viết về sex đạt tới một mức tự nhiên rất đáng yêu. Đọc thấy yêu, và đọc để yêu. Đọc để thấy mình cũng là một "người tình Sài Gòn" và mình cũng đang đi tìm những người tình Sài Gòn khác”, nhà văn Trần Nhã Thụy nhận xét.
Trả lời phỏng vấn trên Dân Trí sau khi “Người tình Sài Gòn” ra mắt tại Hà Nội, Linh Lê khẳng định: “Tôi không dùng “sex” để đánh dấu sự trưởng thành hay coi đó là bước khởi đầu thực sự với văn chương, vì thực ra các tác phẩm của tôi luôn hấp dẫn người đọc ở những yếu tố khác”.
Độc giả băn khoăn
Theo một số độc giả, tác phẩm "Người tình Sài Gòn" có một số đoạn miêu tả cảnh sex khá chi tiết, bạo dạn. Những ngôn từ ấy không phù hợp với văn hóa đọc, thuần phong mỹ tục của người Việt.
“Lớp trẻ bây giờ sống đã quá thoáng, mình mà xuất bản những cuốn sách có nội dung nhạy cảm như vậy khác nào cỗ vũ cho chúng. Một số tác phẩm tương tự phát hành trước đó đã bị thu hồi, vậy sao nhà xuất bản vẫn xuất bản và ra mắt bạn đọc? Phải chăng đây là chiêu PR cho các tác giả trẻ bằng cách tạo scandal?”, độc giả Nguyễn Thị Hoa, Đông Anh, Hà Nội chia sẻ.
Chị Phạm Thị Mai (Hà Đông, Hà Nội) nhận xét về cảnh tả sex ở chương 2 của “Người tình Sài Gòn”: “Nó quá trần trụi, giống như dâm dục ấy chứ không phải là văn học. Đành rằng xã hội ngày càng cởi mở hơn với vấn đề tình dục, coi nó là một thứ bình thường của đời sống, nhưng viết lên trên sách lại là vấn đề khác, cũng như trên phim vậy”.
Chị Lê Thị Phượng (Thanh Trì, Hà Nội) cũng viết: “Tôi thấy nó thô bỉ, chỉ mô tả cái hành sự kiểu gì chứ không có cái gì là linh hồn, là nghệ thuật. Các em học sinh, sinh viên mà đọc cái này lại tò mò. Nếu tôi đọc tiểu thuyết này lúc chưa lấy chồng chắc chắn sẽ bị ám ảnh. Hồi trước tôi cũng đọc một vài tiểu thuyết nước ngoài có đoạn nóng nhưng nó hay, lịch sự chứ không thô thiển, tục tĩu kiểu này. Những câu chuyện như thế này tưởng chỉ có trong những trang web về sex”.
Không chỉ phái nữ mới “ác cảm” với những đoạn tả sex trong “Người tình Sài Gòn” mà “cánh mày râu” cũng đỏ mặt khi đọc nó.
“Lúc tôi đọc đến đoạn sex đầu tiên của cuốn truyện tôi đã đỏ mặt vì ngồi cạnh tôi là 1 bạn nữ. Tái sao một cuốn tiểu thuyết được nhà xuất bản in phải trải qua rất nhiều khâu biên tập và kiểm duyệt lại cho những nội dung dung tục vào trong đó như vậy? Khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản và bán ra thị trường thì độc giả đâu phải chỉ là những người lớn tuổi mà còn có rất nhiều những em học sinh mê đọc tiểu thuyết. Nếu đọc đến đoạn này, trong tâm lý của tuổi mới lớn (dưới 18 tuổi) các em sẽ hình dung ra gì, tâm lý tò mò giới tính và điều gì sẽ xảy ra sau đó. Đó là một hệ lụy cho xã hội chúng ta. Tôi kịch liệt phản đối nội dung này trong cuốn tiểu thuyết, nếu để nội dung này lên một câu chuyện sex trên internet sẽ hợp lý hơn là đưa vào một cuốn sách, cuốn tiểu thuyết như thế này. Thật không hiểu nổi người viết nghĩ gì và NXB nghĩ gì nữa”, bạn Lê Phương (25 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) viết.
Cho rằng cách sử dụng ngôn từ cũng như một số đoạn sex trong tác phẩm phù hợp với tính chất công việc của nhân vật chính nhưng chị Nguyễn Thị Hương, Xuân Đỉnh, Từ Liêm (Hà Nội) cũng cho rằng những tác phẩm như thế này không phù hợp với thuần phong mỹ tục ở Việt Nam.
“Ở phương Tây, ngay từ tiểu học, phụ huynh, giáo viên đã dạy cho con em cách làm tình như thế nào nên những tác phẩm thế này là bình thường. Cũng không nên cấm đoán miêu tả tính dục trong tác phẩm văn học nhưng nên có chọn lọc và từng bước làm quen với độc giả, không nên quá táo bạo trong khi nó còn xa lạ với suy nghĩ của người đọc”, chị Hương nói.
Theo đó, chị Hương cũng rất e ngại “chẳng may con mình đọc phải” cuốn sách này bởi tên tiểu thuyết và họa tiết trên bìa cuốn sách khá bắt mắt, thu hút sự tò mò của giới trẻ.
(Kiến thức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét