Xây nhà là dại, dựng trại là khôn - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Xây nhà là dại, dựng trại là khôn

ad728
Nguyễn Văn Thạnh

Tiếp theo bài viết “Khối u bất động sản làm sao giải quyết”.

A. Bàn chuyện làm ăn và chốn ở:


Bà tôi hay dặn con cháu “xây nhà là dại, dựng trại là khôn”, tức là cần tính đến cơ sở làm ăn trước rồi mới đến cái ở. Ai nghe lời bà đều thành công, ban đầu chịu khó ở chật hẹp, tạm bợ để đầu tư tiền bạc vào làm ăn. Sau thời gian công chuyện làm ăn vững vàng, có lợi nhuận thì trích ra một phần xây nhà phù hợp với điều kiện, còn bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào làm ăn tiếp.

Có một vài con cháu không nghe lời bà, có bao nhiêu vốn liếng đổ ra xây nhà hết, còn đi vay mượn thêm để xây căn nhà thật to. Tuy có căn nhà to nhưng phải nai thân ra làm mướn kiếm bạc cắc. Nhà to nhưng không ăn được, giấc ngủ cũng không bình yên, những người sống trong đó cũng không sung sướng vì luôn phải cảnh thiếu trước hụt sau.

Qua câu chuyện trên, hẳn các bạn sẽ đồng ý là kế sinh nhai nên tính trước rồi mới đến chuyện nhà cửa và nhà cửa cũng nên vừa phải, vốn liếng còn để làm ăn là khôn ngoan nhất.

Ấy thế mà cả dân tộc ta làm điều ngược lại. Khắp nơi nơi trên xứ Việt Nam người ta đua nhau đi xây nhà, xây biệt thự, chung cư cao cấp. Tất cả các dự án phần lớn là khu nghỉ dưỡng cao cấp như thiên đường dưới hạ giới, từ Ecopark ở miền Bắc, đến thiên đường nghỉ dưỡng miền trung, đến Phú Mỹ Hưng thơ mộng bên dòng Sài Gòn,…

Nhà nhà, người người đi đầu tư xây dựng bất động sản. Từ những đại gia chuyên nghiệp bất động sản như: đất xanh, đất lành đến hãng taxi như Mai Linh, đến hãng tôn như Hoa Sen, đến hãng công nghệ như FPT. Từ tư nhân đến nhà nước; từ công ty, tập đoàn đến cá thể,… không ai là không làm bất động sản. Gần như tất cả vốn liếng người Việt Nam mang ra đầu tư bất động sản.

Khắp Việt Nam người ta trương bản dự án, người ta đổ đất, người ta cào xới nham nhở. Nếu tất cả các dự án làm xong, bán hết tôi nghĩ người Việt Nam ta quá giàu, phải là ông chủ của nhiều tập đoàn, nhiều công ty kinh doanh trên toàn cầu mới xứng đáng ở hết những nơi như vậy.

Nhưng không, người Việt Nam rất nghèo, thu nhập bình quân trên đầu người tầm hơn 1.000 USD/năm, phần lớn cách đây 10 năm đều là nông dân chân lấm, tay bùn. Nhìn lại kinh tế Việt nam hiện nay như đám giẻ rách lùng bùng, như cái áo gã ăn mày vá đùm vá thụm, không có một ngành công nghiệp nào đáng giá đồng tiền. Trong đất liền thì những phân xưởng gia công xập xệ ngày đêm tàn phá sức trẻ Việt Nam để kiếm đồng lãi còm cõi qua những đôi giày, những bộ áo sơmi,… bên cạnh những mỏ khoáng sản cạn kiệt sâu hun hút; ngoài biển thì hàng chục con tàu nát mang tên Vina - quả đấm thép - đang chờ bán đồng nát để lấy tiền trả lương công nhân.

Thu nhập chính của người Việt nam chủ yếu đến từ những ruộng lúa, nương ngô manh mún vài trăm m2/mảnh, sức người làm là chủ yếu.

Trại thì không có mà đua nhau xây nhà hoành tráng bạc tỷ, chục tỷ thì quả là một dân tộc đáng nể về trình làm ăn.

B. Thử đi tìm vài đáp án cho giá nhà cao khủng khiếp ở xứ này:

1. Căn nguyên sở hữu đất đai: Hiện nay quan điểm sở hữu đất đai của đảng cầm quyền là “sở hữu toàn dân, nhà nước thống nhất quản lý”. Quan điểm này đưa đến một điều tất yếu là chính quyền cho xây nhà chỗ nào thì chỗ đó mới được xây (gọi là chuyển đổi mục đích sử dụng), chính điều này làm cho nguồn cung đất ở thiếu hụt, nhỏ giọt và phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyền. Chỉ có một số nhỏ doanh nghiệp có máu mặt hoặc là sân sau hoặc có khả năng chung chi rất lớn mới hoàn thành được thủ tục chuyển đổi trên. Chi phí bôi trơn lớn, cùng với nguồn cung ít thì tất yếu giá phải cao. Kẻ có quyền ban phát thì cũng không quá khờ để biết là cần phát ít mới có giá trị, phát tràn lan thì giá sụt lấy gì còn phần trăm cao. Người Việt nam không được tự do trong hoạt động kinh tế, không được tự do làm việc có lợi là quyết định mảnh đất mình đang có nên tiếp tục trồng lúa hay xây nhà để ở. Ai nói Việt nam có tự do kinh tế thì nên nhìn vào điều này.

2. Căn nguyên kinh tế nhà nước chiếm chủ đạo: Chúng ta hãy nhìn vào xứ Venezuela, tại sao quốc gia này có thủ đô khổng lồ kẹt cứng trong khi phần còn lại của đất nước thưa thớt dân cư và không phát triển? Từ khi Hugo Chavez lên nắm quyền, ông tiến hành quốc hữu hóa nền kinh tế, giao các tập đoàn kinh tế cho các tay chân thân tín trong đảng điều khiển. Ông tiến hành các chính sách xã hội như: giáo dục miễn phí, chữa bệnh miễn phí, nhà ở miễn phí,… Nền kinh tế được vận hành bởi lệnh hành chính của nhà nước chứ không phải theo qui luật kinh tế thị trường. Điều này tất yếu là nhà nước sẽ đầu tư xây dựng thành phố trước, nơi gần chính phủ và nơi có khả năng xin xỏ dự án tốt nhất. Thành phố có điều kiện sống tốt thì dân cư sẽ đổ về.

Hàng năm, đầu tư công tại Việt Nam lên đến trên 40% GDP. Phần lớn cơ sở hạ tầng đô thị là do chính quyền xây dựng: từ đường xá, cầu cống đến công trình phúc lợi-bệnh viện, trường học, công viên,… Nhà nước đã hút hết nguồn tín dụng để bơm vào thành phố, tất yếu là thành phố có công ăn việc làm, nông thôn xơ xác. Dân nông thôn đổ về thành phố làm tắt đường buộc phải mở rộng đô thị. Chính quyền chi hàng ngàn tỷ đồng cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Lấy tiền ngân sách bồi thường cho dân nên sẽ ốp giá bồi thường rất cao, có những đoạn đường ngắn ngủn ở HN nhưng chi phí bồi thường lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Chính quá trình đầu tư xây dựng của nhà nước và sự di cư tìm việc của dân nông thôn đã ngày đêm ra sức thổi giá bất động sản lên trời. Cứ mua đất, nhà thành phố là không lo sợ mất giá. Nhiều người khá giả nông thôn đã không tái đầu tư ở đó mà mang tiền lên mua đất thành phố rồi bỏ hoang 5-10 năm bán vẫn lời hơn là làm ăn.

Nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Tp HCM trở nên kẹt cứng cũng có nguyên nhân sâu xa là do nhà nước nắm nguồn tiền khổng lồ đầu tư cở sở hạ tầng, bất chấp tình hiệu quả của đồng vốn. Chi tiết xin xem thêm tại đây.

3. Căn nguyên doanh nghiệp nhà nước: Hiện nay Việt nam di trì không biết bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước lớn nhỏ, phải đến hàng nghìn. Con người ta tiêu tiền chùa nó sẽ khác hoàn toàn tiêu tiền mình. Những vị đứng đầu doanh nghiệp này phần lớn được bổ nhiệm vì là đảng viên trung kiên với đảng hơn là tài năng kinh doanh.

Doanh nghiệp nhà nước vận hành bởi phần % mua bán hơn là hiệu quả kinh tế. Trước kia, chúng ta thấy hàng trăm nhà máy mía đường cũ nát được mua từ nước bạn (TQ) về trong dự án “một triệu tấn đường” để rồi sinh ra hậu quả “mía đắng” thế nào. Gần đây hàng trăm con tàu mục ruỗng được gom khắp năm châu bốn bể về rồi cho trôi nổi như thế nào thì biết mức độ tàn khốc của lối làm ăn xã hội chủ nghĩa. Đó chỉ là phẩn nổi của tảng băng mà thôi.

Nhiều doanh nghiệp quốc doanh tham gia vào thị trường bất động sản là vì có dự án, có % chứ không vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Doanh nghiệp quốc doanh thì chuyện xin giao đất dễ hơn doanh nghiệp tư nhân và khả năng kiếm chát còn đậm hơn đi làm chính ngành.
Nhiều người khi nói đến kinh tế nhà nước là nghĩ đến các công ty xí nghiệp như Vinaline, vinashine, EVN,… ít người chú ý đến hệ thống ngân hàng quốc doanh. Cái này mới là quan trọng. Mọi hoạt động kinh tế cuối cùng cũng là đưa đến thu nhập bằng tiền. Những ngân hàng quốc doanh khổng lồ như BIDV, Vietcombank, Agribank, Vietinbank,… mới là những ông trùm nắm giữ, điều khiển guồng máy kinh tế.

Ông Nguyễn Bá Thanh từng chỉ ra một ngón nghề làm ăn của giới ngân hàng là bắt tay nhau định giá mảnh đất thật cao để cho vay, chia chác nhau rồi đến lúc không bán được tuyên bố phá sản, ngân hàng ôm mảnh đất với giá trị không đến 50% số tiền cho vay. Chính cái chiêu này kết hợp với hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước…. đổ vốn vô bất động sản đã làm giá bất động vút lên trời. Trong quá trình bơm thổi này khối người tậu được nhà lầu, xe hơi, có tài khoản gửi ngoại quốc cho con ăn học. Chỉ biết là tàn cuộc chơi thì dân đen lại là người đóng thuế để nhà nước cứu trợ.

Cái lối làm ăn này cùng với việc ngân hàng quốc doanh không thể phá sản trong khi ngân hàng nhà nước (ngân hàng Trung ương, tương tương cục dữ trữ liên bang Mỹ) lại thuộc chính phủ thì chuyện in tiền để bơm cho tập đoàn quốc doanh tạo thành tích tăng trưởng và in tiền để cứu là tất yếu.

5. Căn nguyên đến từ lạm phát: Khi bơm tiền cứu hoặc xóa nợ cho các tập đoàn thì nạn lạm phát bùng nổ. Khi lạm phát bùng nổ thì tất cả doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng cũng chết. Ở Việt nam lạm phát là tất yếu và chu kỳ nên không một ai muốn bỏ vốn kinh doanh bài bản.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã nói rằng doanh nhân Việt làm ăn chụp dựt, đầu cơ, không có chiến lược làm ăn bài bản. Họ nói vậy là chỉ thấy phần ngọn chứ chưa thấy nguyên nhân của vấn đề. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề là căn bệnh lạm phát trầm kha ở Việt Nam. Khi lạm phát đến thì làm ăn hiệu quả như Honda cũng bị lỗ. Nếu làm ăn bài bản với cơ xưởng rộng lớn, công nhân đông đúc, sản xuất khối lượng sản phẩm nhiều thì khi lạm phát đến, bạn chết chắc! Sau nhiều cơn đại hồng thủy lạm phát, giới doanh nhân đã thích nghi là không đầu tư lớn, giữ tiền để đầu cơ khi có sóng. Chính vì điều này mà nền kinh tế Việt Nam liên tục lên cơn suốt: sốt chứng khoán, sốt vàng, sốt cây cảnh, sốt đất, sốt ngoại tệ,… nền kinh tế vận hành với trạng thái đánh bạc hơn là làm ăn đường hoàng.

Điều này giải thích vì sao nền kinh tế Việt nam không có nền sản xuất lớn mạnh.

Để chống lạm phát người dân có xu hướng rót tiền vào bất động sản để bảo tồn vốn vì các kênh khác như vàng, ngoại tệ bị tắt. Cả xã hội đều làm như thế trong khi quĩ đất nhỏ giọt thì giá bất động sản tăng khủng khiếp là điều dễ hiểu.

4. Căn nguyên nền kinh tế Ponzi: Mô hình kinh tế Ponzi là mô hình kinh tế không hiệu quả, nó tồn tại bằng cách lấy tiền người sau nuôi người trước. Nó sẽ lớn mạnh và tồn tại cho đến khi không còn người chấp nhận bỏ tiền vào nữa. Một siêu tỷ phú Mỹ đã vận hành mô hình Ponzi thành công nhất là tỷ phú Bernard Madoff - chủ tịch của sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ- ông đã vận hàng mô hình Ponzi to đến mức khi nó đổ để lại khoảng nợ 50 tỷ USD.

Nền kinh tế bất động sản Việt nam gần như là một nền kinh tế Ponzi.

Một mảnh đất, một căn nhà được mua bán luôn có lời thì liên tục tạo ra chuỗi mua bán. Người ta đã dùng bất động sản như những lá bài để chơi trò cờ bạc và cùng nhau thổi cho bong bóng bất động sản căng phồng. Rất nhiều con bạc đã chơi ván bài bằng tiền người khác-vay ngân hàng hoặc là doanh nghiệp nhà nước-nên họ không chùn tay khi xuống tiền. Nhiều người ngoại quốc khi đến Việt Nam tìm hiểu về thị trường bất động sản có cảm tưởng rằng người Việt phát triển bất động sản không phải để thỏa mãn nhu cầu nhà ở mà là để có kế cho việc đánh bạc hợp pháp.

Chiếu bạc này quá lớn và vòng Ponzi này cũng khổng lồ, thêm nữa là thông tin bị bưng bít, chỉ toàn đưa tin lạc qua cho ván bài tiếp theo. Trong chiếu bạc này nhà nước cũng có lợi là tạo ra thành tích tăng trưởng kinh tế và thu được thuế (như tiền xâu trong chiếu bạc). Vì vậy nên nhà nhà, người người dốc tiền đặt cửa, trong khi chính quyền không đưa ra giải pháp ngăn chặn là không có gì khó hiểu. Khi chiếu bạc kết thúc, giá bất động sản đã thổi lên cao đến mức một công chức phải làm liên tục và phải nhịn ăn trong 300 năm mới mua nổi chỗ dung thân. Nhiều chuyên gia kinh tế còn tính toán là người Việt Nam phải tích lũy từ thời nhà Lý mới mua nổi nhà. Kinh khủng!

Nền kinh tế Ponzi không chỉ xảy ra với bất động sản mà còn xảy ra với giáo dục. Rất nhiều bậc cha mẹ ở nông thôn ngày đêm làm lụng vất vả để hàng tháng gởi tiền cho con trên thành phố ăn học với mong muốn sau này thoát nghèo. Rất nhiều người đã học xoay vần từ trung cấp liên thông lên cao đẳng, rồi đại học; rồi học văn bằng hai, ba, rồi lại học lên thạc sĩ,…. cuối cùng phải đi làm công nhân lắp ráp, lương ba cọc ba đồng không biết bao giờ có đủ số tiền cha mẹ cho đi học. Giáo dục Việt nam hiện tại là một vòng Ponzi khổng lồ ngốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức của tuổi trẻ và tiền bạc của nhân dân. Hàng triệu con em nông thôn đã lên thành phố tá túc trong những căn nhà chật hẹp nóng bức để học tập rồi đi làm trái nghề, trái ngành vất vưởng trên thành phố. Một phòng trọ xập xệ tầm chục m2 mỗi năm cũng có thể cho thuê được vài chục triệu thì làm sao mà giá bất động sản không cao? Chính cái vòng Ponzi này cũng góp phần bơm thổi giá nhà đất đô thị lên.

Còn một nguyên nhân nữa là với nền kinh tế bài bạc và nạn hối lộ, móc ngoặc như phân tích ở trên đã tạo ra một tầng lớp siêu giàu mà không cần tài năng kinh doanh. Nắm khoản tiền khổng lồ mà không có khả năng kinh doanh thì chỉ còn cách chắc ăn nhất là lại mua đất để đầu cơ. Tiền nó lại bơm chính nó thì bong bóng bất động sản ngày càng phình to.

© Nguyễn Văn Thạnh

Bài viết tiếp theo: Giải pháp cho vấn đề nhà cửa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages