Văn hóa tâm linh hay là... tiền? - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Văn hóa tâm linh hay là... tiền?

ad728

Những năm gần đây, người ta đã lợi dụng nhu cầu tâm linh của người dân vào mục đích kinh doanh. Điều này báo chí nói nhiều rồi. Tôi chỉ xin góp mấy điểm.

1- Việc xây dựng cáp treo ở Yên Tử, ở Chùa Hương, chùa Hương tích Hà Tĩnh… có phải vì nhu cầu tâm linh của người dân, hay lợi dụng nhu cầu đó nhằm mục đích kiếm tiền? Đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại vào đất Phật để kinh doanh, đã phá vỡ không gian văn hóa đặc sắc cha ông dày công tạo dựng, làm mất cảnh quan, sự u tịch, tĩnh lặng, tôn nghiêm của chốn linh thiêng. Nhưng tệ hại hơn, nó làm biến dạng, làm sai lạc tâm thức văn hóa tâm linh. Muốn đến với Phật, Phật pháp răn rằng, người có tâm hướng Phật phải lặn lội tìm đường, phải vượt qua nhiều khó khăn vất vả, phải chịu khổ hạnh…. Đó là thử thách về sự thành tâm kính Phật nơi mỗi người. Và đó cũng là ý thức văn hóa tâm linh của người Việt. Với 72 phép thần thông biến hoá, Tôn Ngộ Không chẳng khó khăn gì để cõng Đường Tăng trên lưng và sau tiếng hô Biến là chớp mắt đến được Tây Trúc. Nhưng Tôn Hành Giả và Đường Tam Tạng đã không làm thế, và cũng không thể làm thế. Phải mất nhiều ngày tháng ròng rã tìm đường, phải chịu bao kiếp nạn mới đến được đất Phật . Và có như vậy mới đạt được chính quả.

Tôi đồ rằng sau cáp treo, để tiện lợi và không mất thời gian, rất có thể người ta sẽ làm sân bay trực thăng trên đỉnh Yên Tử. Các vị sùng đạo khỏi cần leo núi, xoẹt một cái, chỉ ba mươi phút là có thể lên chùa Đồng thắp hương, và xoẹt một cái là về tới Hà Nội tiếp tục nhâm nhi cà phê.

Miệng khoái trá nhai thịt thú rừng, ngồi cáp treo, và có thể cưỡi trực thăng nữa để đến với Phật, liệu con người ngộ ra được điều gì?

Thiết nghĩ, những ai muốn xây dựng cáp treo để kinh doanh, xin mời các vị đến Vũng Tàu, ra Hạ Long, vào Nha trang, lên Bà Nà, Đà Lạt và các vị trí du lịch khác. Còn những nơi đã hằn sâu tâm thức là vùng không gian Văn hóa tâm linh của nhiều thế hệ người Việt thì tuyệt nhiên không được phép và không được quyền phá vỡ nó. Nếu cố tình làm như vậy, theo tôi là phản văn hóa.

2- Nghe đồn và nghe nhiều lời ca ngợi, tôi đã bỏ ra hai ngày để đi chùa Bái Đính (Ninh Bình) mới xây dựng. To đấy, bề thế đấy, và nhiều kỷ lục đấy, nhưng đến rồi sao thấy lấn cấn không vui, nhiều điều còn trăn trở, và tôi Ngộ ra rằng hình như người ta đang lợi dụng Phật, biến văn hóa tâm linh thành văn hóa lợi nhuận.

Từ xa xưa, truyền thống người Việt ta là không dựng các chùa mang tính phô trương. Chùa Một Cột có từ thời nhà Lý là một ví dụ. Nhỏ, nhưng độc đáo, là chốn tôn nghiêm, niềm tự hào của bao thế hệ, một danh thắng của Thủ đô. Tâm lý của các phật tử chân chính xưa nay bao giờ cũng tìm đến những chùa nghèo để hành hương thắp hương bái Phật. Cốt ở sự thành tâm chứ không cần phải chọn chùa to, tượng lớn.

Chúng ta có cần phải ru ngủ mình để tự hào rằng, chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á... Rất nhiều điều đáng làm hơn thế để mà tự hào!

Đến Bái Đính, thấy nhiều tảng đá lớn tạc hình lá bồ đề, trên đó khắc tên nhiều vị lãnh đạo quốc gia, nhiều vị bộ trưởng và quan chức địa phương… sao mà xốn mắt thế! Nếu tâm không sáng, đức chẳng nhiều, ít làm những điều tốt cho dân cho nước thì có khắc tên mình lên lá bồ đề bằng vàng cũng chẳng thể thành Phật, thành Bồ tát. Làm vậy phải chăng chỉ là biểu hiện của sự thiếu ý thức văn hóa. Và cũng chỉ là trò xu nịnh kệch cỡm.

Chưa đủ, người ta còn xây rất nhiều hốc để đựng tro của người quá cố với giá cắt cổ nhằm lừa những kẻ ít hiểu biết, nhiều tiền…

Nhìn cảnh xô chen ở chùa Bái Đính mới, rồi nhìn ngôi chùa Bái Đính cũ nhỏ nhắn thanh tao, tĩnh lặng, tôn nghiêm do Thiền sư Nguyễn Minh Không góp công tạo dựng trên núi từ thời nhà Lý, đã được nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia từ năm 1997 giờ bị khuất lấp ở phía sau trở nên trống lạnh, tiêu điều mà thấy xa xót buồn!

Đi bái Phật mà khi trở về thấy lòng bất an, tâm không tĩnh, vậy có nên không?

NÔM NA HÓA TIẾNG VIỆT

Trên nóc một tòa nhà cao tầng ở thành phố T., người ta gắn lên đấy dòng chữ ngất nghểu, rõ to, gò bằng thép không rỉ, cách mấy cây số cũng nhìn thấy: PHÂN BÓN HỮU NGHỊ. Từ xưa đến nay chỉ nghe nói phân dùng để bón lúa, phân bón khoai sắn, và phân bón các loài cây khác… chưa nghe nói phân bón hữu nghị bao giờ. Chắc bón loại phân này, tình hữu nghị giữa các dân tộc tăng trưởng nhanh chăng? Loại phân bón hữu nghị có lẽ ngành ngoại giao đặt hàng?!

Một dạo, thấy rất nhiều băng vải đỏ chăng ngang trên các đương phố Hải Phòng. Trên đó là dòng chữ: THÁNG KHUYẾN MÃI HẢI PHÒNG.

Các cụ già lo lắng nheo mắt nhìn lên các băng rôn chăng ngợp phố, thấp thỏm bảo nhau: chắc người ta định kêu gọi người nước ngoài mua rẻ (khuyến mãi) Hải Phòng chăng. Hải Phòng bị bán đi, không rõ dân sống ở đâu. Hà cớ gì lại khuyến mãi Hải Phòng chứ?

Gần đây lại thấy nhiều băng vải đỏ khác với dòng chữ: Người Việt dùng hàng Việt Nam. Tại sao không viết cho rõ nghĩa hơn: Người Việt dùng hàng Việt hoặc người Việt Nam dùng hàng Việt Nam?

Rồi lại thấy nhiều Panô rất to treo ở các ngã tư đường phố: Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng. Đọc xong, ngẫm ngợi mãi vẫn không rõ người ta định nói gì trên Panô đó. Hay là Đồng bằng sông Hồng đã trở thành một quốc gia?

Còn trên Ti vi và đài phát thanh, nếu tinh ý một chút, thấy mỗi ngày phát thanh viên đọc không dưới mười lần chữ thập niên thành thập kỷ (Bản tin tối ngày 24 tháng 7 trên VTV1, đưa tin chủ tịch nước đi thăm Hoa Kỳ cũng đọc là gần hai thập kỷ(?) bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ (thực ra là gần 20 năm)… Đã có nhiều ý kiến giải thích về chữ thập niên và thập kỷ và đã phê phán việc viết sai, đọc sai, nhưng "nhà đài", "nhà báo" vẫn phớt lờ, không chịu sửa. Mười năm thì viết là mười năm, sính chữ gọi thập niên làm gì để đến nỗi phải sai thành thập kỷ!

Và cũng trên ti vi, thỉnh thoảng người ta lại rầm rộ quảng cáo về một liveshow gì đấy . Chín mươi phần trăm dân Việt Nam không hiểu liveshow là gì cả. Nghĩa của nó là truyền hình trực tiếp hoặc chương trình trình diễn của một cá nhân nào đó. Vậy sao không dùng chữ Việt cho dân dễ hiểu?

Ngay như các Hội văn nghệ địa phương, nơi qui tụ những người thừa chữ, vậy mà thấy ở một số nơi trên cửa phòng làm việc gắn tấm biển với dòng chữ: Chi hội văn học, chi hội sân khấu, chi hội Nhiếp ảnh vân vân… mà thấy lạ. "Văn học", "sân khấu", "nhiếp ảnh"… sao có thể thành lập được Hội hoặc Chi hội nhỉ? Chủ thể của Hội hoặc Chi hội là con người. Do vậy phải viết là Chi hội nhà văn tỉnh X., Chi hội nghệ sỹ sân khấu tỉnh Y., Chi hội nghệ sỹ nhiếp ảnh tỉnh Z… Chúng ta đang quen dần với việc nói tắt, nói bớt, nói gọn, nôm na hóa tiếng Việt mà không cần quan tâm tới sự chuẩn xác về nghĩa của nó..

Chưa hết, mặt tiền một ngôi nhà nọ thấy treo cái biển to đùng với hàng chữ rất đậm: CHỮA PHỤ KHOA HAI BÀ TRƯNG. Nhiều người hỏi nhau, hai bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) qua đời cả ngàn năm nay mà vẫn phải chữa bệnh phụ khoa sao?

Và vân vân… Chuyện dùng chữ sai, không rõ nghĩa, sai lạc nghĩa, sính chữ Tây nhiều lắm!

Thế mới biết, cái chữ (đi kèm theo nó là cái nghĩa) của Việt Nam rất phong phú, nhưng phải biết dùng. Nếu tùy tiện sẽ dẫn tới hiểu sai, hiểu lầm đáng tiếc.

THƯỢNG VÕ HAY LÀ… BẠO LỰC

Lâu nay người viết bài này cứ băn khoăn hoài về một số lễ hội ở Việt Nam vẫn được coi như nét Văn hóa đặc sắc. Chẳng hạn như lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn và vài nơi khác có thật sự là Văn hóa, là biểu hiện của tinh thần thương võ ?

Một con trâu, vẫn được coi là bạn của nhà nông, là "đầu cơ nghiệp" bị con người buộc bên cây nêu (không còn khả năng phòng vệ), rồi bị hàng đoàn người cần giáo nhọn đi vòng quanh, đâm vào cổ, đâm vào ngực, đâm vào khắp thân thể nó cho đến khi trâu giẫy giụa, máu chảy lênh láng, oằn oại chết dần trong đau đớn, mà gọi là lễ hội mang tinh thần thượng võ, mang tính Văn hóa đặc sắc ư? Xem cách đâm trâu thấy có cái gì đấy hết sức bất nhẫn, thậm chí man rợ trong hành động được gọi là truyền thống văn hóa đó. Lễ hội đâm trâu có cái gì đấy rất giống tư duy ác hiểm trong phần kết ở truyện Tấm Cám. Thiếu sự nhân hậu, bao dung, một đặc trưng làm nên bản sắc của người Việt. Nhiều cậu bé ở Đồ Sơn đã phản đối một cách vô vọng bằng cách không ăn thịt những "ông trâu" thân thiết mà các em vẫn hàng ngày chăm bẵm ve vuốt bị người lớn giết thịt sau lễ chọi trâu…

Văn hóa (cultura) theo nghĩa gốc là sùng bái, là tôn vinh lối sống, phương thức sống. Tuyên truyền và cổ vũ cho lễ hội đâm trâu, lễ hội chọi trâu và hô hào đọc những truyện đại loại như người nông dân đã lừa con Hổ để hại nó (thực ra là hành động gian trá) và được ca ngợi đó là trí khôn, vậy chúng ta định giáo dục thế hệ kế tục phương thức sống nào?

Tại sao những lễ hội dân gian như lễ hội nõ nường (còn gọi là nõn nường), lễ hội cầu ngư, lễ hội cầu mùa, lễ hội cồng chiêng... ý nhị, tinh tế, đầy nhân bản, giầu tình người, nhân aí thì ít được tôn vinh, ngày bị mai một dần, còn những lễ hội mang tính bạo lực thì được tuyên truyền, cổ vũ…?

Văn hóa là gốc của mọi sự. Văn hóa là hồn cốt dân tộc. Lịch sử đã chứng minh rằng lãnh thổ có thể mất, thậm chí chính quyền cũng có thể mất, nhưng không mất văn hóa thì dân tộc còn.

Vậy nên, văn hóa là móng cốt để tồn tại, ổn định, và phát triển một quốc gia.

Nhà văn Đình Kính
Theo blog Trần Nhương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages