Tôm hùm nhí. Ảnh: VnExpress |
Nhớ lại những ngày tôi mới đến Úc và có kinh nghiệm về săn bắt hải sản. Những ngày đầu mới qua Úc, chúng tôi hay đi bắt sò vào ngày cuối tuần. Sò ở Úc thì nhiều ơi là nhiều, mà người Úc thì không ăn. Còn cá thì đủ lại và câu rất dễ. Lúc đó, chúng tôi mỗi người chỉ cần tắm biển 1 giờ là có thể bắt cả chục kí lô sò. Nhưng một hôm có nhân viên kiểm ngư đến cảnh cáo là chỉ được bắt theo giới hạn (tôi không nhớ là bao nhiêu kí lô) chứ không phải muốn bắt bao nhiêu thì bắt. Còn cá thì họ đo chiều dài, và con nào còn nhỏ là phải thả xuống biển. Lúc đó chưa có hình phạt, chỉ cảnh cáo và nhắc nhở. Sau này, dân Á châu (Hàn và Tàu) bắt sò và câu cá nhiều quá, nên kiểm ngư ra qui định mới là phải có "chứng chỉ" mới được bắt sò và câu cá.
Cách kiểm soát tài nguyên của Úc làm tôi ngậm ngùi nhớ đến tình trạng khai thác cá tôm bên nhà. Trước đây ở quê tôi, bà con bắt cá ròng ròng (loại cá lóc mới lớn) thoải mái. Loại cá này chúng đi theo bầy, nên bắt một mẻ là hàng trăm con. Loại cá này mà kho tiêu thì … khỏi chê. Đến khi qua Úc và nhìn lại thói quen săn bắt cá như thế tôi mới thấy quá bậy. Miền Tây thời đó thì tôm cá đầy đồng, và dân số thì còn ít, nên dù có bắt cá như thế cũng chẳng gây tác hại gì. Nhưng khi dân số tăng và lạm dụng thuốc trừ sâu, thì tác hại dần dần thấy rõ. Ngày nay, có những loài cá (như cá rô, cá sặc, cá lóc) rất hiếm ngoài đồng, vì tôi đoán là đã bị khai thác theo kiểu tận diệt trước đây. Mấy năm gần đây, ở miền Tây còn có tình trạng người dân dùng điện để bắt tôm cá ngoài đồng, nên nguồn thuỷ sản này sẽ càng cạn kiệt trong tương lai.
Nhưng VN thì không có những qui định về đánh bắt thuỷ hải sản như Úc, nên người ta vẫn khai thác thoải mái. Khai thác theo kiểu tận diệt. Nói chuyện với nhiều ngư dân ở Phú Quốc, họ cho biết ngày nay họ phải đóng tàu lớn để đi đánh bắt xa hơn mới có cá, chứ gần bờ thì… chỉ tốn xăng dầu. Có lẽ chính vì thế mà ngư dân VN tràn sang Thái Lan, Mã Lai và Nam Dương đánh cá và bị bắt (2-3). Những bài báo như VNexpress (1) là một khuyến khích -- dù chỉ là gián tiếp -- tận diệt hải sản cần phải bị lên án. Tôi đề nghị VNexpress rút bài báo đó xuống và viết lời xin lỗi độc giả.
Nguyễn Văn Tuấn
Theo FB Nguyễn Văn Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét