Bắn vào tự do báo chí - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Bắn vào tự do báo chí

ad728
Thế giới cho tới giờ này vẫn còn sững sờ trước vụ khủng bố tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo vào ngày 7 tháng 1 tại Paris giết chết 12 người trong đó có bốn cây bút biếm họa cùng với sáu nhân viên tòa soạn và hai cảnh sát.


Người dân Paris đốt nến tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo vào ngày 7 tháng 1 tại Paris giết chết 12 người trong đó có bốn cây bút biếm họa cùng với sáu nhân viên tòa soạn và hai cảnh sát. Ảnh chụp hôm 9/1/2015.

Những kẻ sát nhân bỏ chạy nhưng không thoát khỏi lưới pháp luật bủa vây và chúng đã đền tội bằng cái chết tuy nhiên những người ngã xuống trong tòa soạn Charlie Hebdo vĩnh viễn sẽ được nêu danh tính trên các mặt báo khắp thế giới vì cái chết của họ được xem là hình ảnh tự do báo chí trên toàn thế giới bị khủng bố.

Tự do báo chí và tự do tôn giáo

Cái chết của bốn nhà báo này ngay lập tức được báo chí thế giới phản ứng một cách giận dữ mặc dù khi họ còn sống, tờ báo của họ gây tranh cãi khá ồn ào. Mỗi ấn bản Charlie Hebdo chỉ bán được 30 ngàn số, con số này không đủ trang trải chi phí và nhiều lúc tòa soạn đã nghĩ tới giải pháp đóng cửa. Tuy nhiên, nổi tiếng hay không thì họ cũng là ký giả, người mang tin tức, thông điệp, ý tưởng cũng như mọi thứ khác tới độc giả. Sự không phân biệt chủng loại họ viết, quan điểm họ bày tỏ, hay cách thức mà họ tuyền tải cho thấy không có loại phóng viên nào được kính trọng hơn phóng viên nào và họ có toàn quyền sử dụng quyền tự do báo chí của mình khi tác nghiệp.

Trả lời phóng viên Thanh Trúc của RFA, từ Paris, bà Claire San Silippo, giám đốc phòng Châu Mỹ trong Reporteurs Sans Frontieres, cho biết quan điểm của bà về 4 cái chết này:

“Trước hết Charlie là một tuần báo trào phúng khá nổi tiếng đã góp mặt vào làng báo nước Pháp mấy chục năm qua. Với những cây bút hoạt họa tài tình, Charlie chọc cười độc giả khi đưa ra những tranh vẽ và tin tức trào lộng, châm biếm về tất cả mọi người và mọi khía cạnh trong cuộc sống. Đó là hình thức của tự do ngôn luận, tự do báo chí dù như hình thức đó nhiều lần mang lại phiền phức cho Charlie.

Trong quá khứ, tòa soạn của tuần báo Charlie từng bị đốt phá, điển hình như năm 2011 sau khi đăng lại hình vẽ có ý châm biếm giáo chủ Mohamed của đạo Hồi do một phóng viên nước ngoài thực hiện mà đã gây phẩn nộ tại các quốc gia Hồi giáo. Công việc của Charlie Hebdo thực tế không có gì ngoài thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Điểm đáng nói ở đây là ban biên tập của Charlie đã  không lùi bước không sợ hãi trước những lời đe dọa của những kẻ nhân danh lý tưởng và niềm tin để bịt miệng những tiếng nói trung thực từ mọi giới mà báo chí có bổn phận phải nêu lên. Phóng Viên Không Biên Giới ngưỡng mộ lòng quả cảm của những người muốn chứng tỏ rằng tự do báo chí là một trong những nền tảng và giá trị quan trọng của truyền thông và của dân chủ trên thế giới ngày nay mà họ có quyền theo đuổi.”

Cái được cho là quả cảm mà bà Claire San Silippo  nói ấy lại có khá nhiều người phản ứng và không đồng tình. Độc giả hầu hết trên toàn thế giới không thể chịu nỗi hình ảnh thượng đế hay thần linh của họ bị lệch lạc, châm biếm thậm chí thóa mạ hay báng bổ.  Tờ Charlie vẽ tiên tri Mohamed một cách dung tục khiến hồi giáo cực đoan nổi giận và kết quả bi thảm đã mang tới cho họ và gia đình bằng những viên đạn khủng bố.

  Tôi cho rằng đối với trí thức, đối với các nhà báo thì một trong những sứ mệnh của họ là họ phải làm cho người dân hiểu ra mọi vấn đề một cách thấu đáo. Tôi cho rằng tờ Charlie Hebdo đi tiên phong trong lĩnh vực đó.

-Nhà báo Võ Văn Tạo
Vấn đề được đặt ra và đang có hai luồng dư luận chung quanh câu chuyện tự do báo chí và tự do tôn giáo này. Trên các trang mạng xã hội Việt Nam không ít người chặt lưỡi về cái chết của 4 nhà báo ấy và cho rằng sự quá đáng của họ đã mang tới thảm họa.

Nhà báo Võ Văn Tạo, từ Việt Nam cho biết nhận xét của ông về khuynh hướng này:

“Tôi đánh giá vụ này chủ yếu là vấn đề tôn giáo cuồng tín do tạp chí châm biếm đó vẽ ra. Cũng như mọi con người tự do thì ai cũng có quyền tín ngưỡng hay không tín ngưỡng. Những nhà báo trong tờ báo Charlie tôi nghĩ họ là những con người tự do một cách đích thực. Lịch sử loài người luôn luôn có tôn giáo từ hồi nào đến giờ. Có rất nhiều giáo phái mà lịch sử đã ghi nhận. Có giáo phái lúc mạnh lên đã thống trị cả thế giới nhưng rồi nó cũng dần dần đi vào trật tự.

Trước đây vào thế kỷ 14, 15 Thiên Chúa giáo đã từng có cuộc Thập tự chinh tàn sát hàng loạt rồi đưa các nhà bác học lên đoạn đầu đài hay giàn thiêu... bây giờ thì họ nhận sai và Vatican chủ yếu là cổ vũ cho hòa bình. Tôn giáo tôi nghĩ rằng có cái hay và có cái dở của nó chứ không phải tôn giáo nào cũng là tuyệt vời. Tôi không đồng ý với rất nhiều người có đạo luôn luôn lên án những người vô đạo, nói vô đạo là quân dã man thế nọ thế kia. Tôi không đồng ý quan điểm đó.

Tôi cho rằng đối với trí thức, đối với các nhà báo thì một trong những sứ mệnh của họ là họ phải làm cho người dân hiểu ra mọi vấn đề một cách thấu đáo. Tôi cho rằng tờ Charlie Hebdo đi tiên phong trong lĩnh vực đó.”


Cách suy nghĩ của nhà báo Võ Văn Tạo cũng được nhiều người chia sẻ nhất là những vụ chém giết dã man của bọn tự xưng là Nhà nước Hồi giáo ISIS hồi gần đây. Tôn giáo mà bọn chúng dựa dẫm chính là thứ mà Charlie Hebdo trêu chọc. Tự do tôn giáo của bọn chúng không thể đại diện hết cho tất cả hồi giáo Islam.

Tây phương có truyền thống biếm họa từ nhiều trăm năm qua và không có khu vực nào là vùng cấm của thể loại này. Tuy nhiên vùng cấm của tôn giáo được khoanh tùy vào từng tổ chức hay cá nhân, đặc biệt trong các cơ quan báo chí, nơi truyền tải thông tin tới tuyệt đại đa số người đọc có một tôn giáo để theo. Sự phản ứng của người đọc đã hình thành một quy tắc bất thành văn “Tôn giáo không thể bị xâm phạm nếu không muốn mất độc giả”.

Tuy nhiên cái quy luật bất thành văn ấy cũng có nhiều tờ báo vượt ra vì với họ sự trói buộc nào cũng làm cho tự do báo chí mất ý nghĩa. Tờ Charlie chỉ là một trong những con số ấy, đây là nét đặc trưng của các ngòi bút tự do. Nhà báo Hải Triều từ Canada cho biết ý kiến của ông:

Hai tên khủng bố xả súng vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris khiến 12 người thiệt mạng. Hình chụp từ camera an ninh ngày 7 tháng 1 năm 2015.
"Tụi nó tấn công những người làm báo bằng cách tàn sát người ta như vậy là nó tấn công vào nền tự do báo chí và tư tưởng của người ta. Nó không thể nào vịn vào lý do tôn giáo được. Nếu lý do tôn giáo thì tờ báo Charlie hay một số tờ báo trào phúng khác đã từng cà khịa bên Phật giáo, nó cũng khịa khịa bên Công giáo. Có những tờ báo đăng hình đức Phật không được lắm nhưng phật giáo đâu có lên tiếng, các tôn giáo khác cũng đâu có lên tiếng. Người ta tôn trọng tự do tư tưởng. Những người nói rằng kẻ giết người vì bênh vực tự do tôn giáo, người Việt Nam nào chấp nhận nói như vậy là chấp nhận người ta đụng tới danh dự của mình, người ta đụng tới tôn giáo của mình thì mình đem súng đạn đi giết người ta. Đây là điều không chấp nhận được.

Tự do tư tưởng tự do báo chí là một trong những cái mà không thể nào sử dụng bạo lực để đóng mồm người ta nhất là tàn sát người ta. Những tôn giáo khác không có ra lệnh, không có cho phép bổn đạo, tín đồ của nó hành xử như vậy. Việc tàn sát những người cầm bút là một trong những hành động tuyên chiến toàn cầu chứ không phải tuyên chiến với người Pháp ở Paris.”


Nhà văn, nhà báo Chu Tất Tiến từ Mỹ cho rằng tự do báo chí cũng phải có giới hạn. Có lẽ đứng trên quan điểm của người Việt vốn trọng đạo lý và sức mạnh tôn giáo lại kinh nghiệm vì các cuộc tranh cãi vô tận về vấn đề tôn giáo tại Việt Nam, ông cho biết:

“Tự do báo chí là quyền tự do rất quan trọng trong thế giới tự do, thế nhưng đôi khi có vấn đề nhạy cảm mình cũng nên hạn chế ở trong một giới hạn nào đó. Tự do báo chí, tự do phát biểu ý kiến của mình về tôn giáo, văn hóa xã hội gì cũng được nhưng đừng có đưa nó vào mục tiêu chế giễu tôn giáo của người ta vì đó là điều rất nguy hiểm. Mình không thể lấy tự do báo chí để xâm phạm vào một tôn giáo khác.”

Công lý không thể nào bịt mắt

Trong các ý kiến về cách hành xử của bọn khủng bố rõ ràng không có phần trăm nào đồng tình. Sử dụng bạo lực đối với người cầm bút là hành vi của khủng bố vì chỉ có khủng bố mới xem thường tập quán hành xử của các nền văn minh đối với người cầm bút. Tư duy thần thánh hóa một nhân vật Mohamed xa lạ của Hồi giáo quá khích đã khiến hàng ngàn kẻ tự nguyện làm con mồi cho bọn giáo chủ cực đoan luôn hô hào thánh chiến và giết bọn tà đạo.

Những cái chết của phóng viên tờ Charlie có lẽ còn kéo dài rất lâu trên công luận Paris, nơi nổi tiếng với những căn bản đầu tiên về các nền tự do, nhân quyền của con người được hô hào, cổ võ. Bốn nhà báo biếm họa này biết trước cái chết của chính mình và chấp nhận nó như chấp nhận sự thử thách cao nhất của nghề nghiệp.

Riêng đối với kẻ gây ra vụ thảm sát, tuy đã đền tội nhưng lời nguyển rủa vẫn theo họ đời đời. Thế mới biết công lý không thể nào bịt mắt

  Khi dựa vào tự do tôn giáo để đi giết người khác thì cái đó đã đi ngược chính tôn giáo mà họ tôn thờ. Người viết báo không nên sử dụng quá lố tự do của mình để xâm phạm tự do tín ngưỡng của người khác.

-Nhà văn Chu Tất Tiến
Nhà văn Chu Tất Tiến chia sẻ:

“Khi dựa vào tự do tôn giáo để đi giết người khác thì cái đó đã đi ngược chính tôn giáo mà họ tôn thờ. Người viết báo không nên sử dụng quá lố tự do của mình để xâm phạm tự do tín ngưỡng của người khác. Thứ hai, những người mà bị xâm phạm tự do thì cũng phải tôn trọng tự do của những người làm báo bằng cách điều chỉnh, cải chính hay làm thế nào đó chứ không thể dùng võ lực để mang ra giết người để bịt miệng người ta đó là hành động quá khích không thể chấp nhận được.

Không thể dùng quyền tự do của mình để bịt miệng đàn áp báo chí vì đó là hành động không thể chấp nhận trong thế giới tự do. Cái đó là độc tài vì mình muốn đạo của mình trên hết mọi đạo khác. Mình muốn tất cả đều phải tôn thờ như mình thì rất bậy bạ, vi phạm tự do của người khác.”


Trong biến cố này cũng xuất hiện một câu hỏi lý thú: Cộng sản có phải là một tôn giáo hay không? Nếu nó là thứ tôn giáo không nhang khói thì khi người khác chê bai, báng bổ hay phê phán nó thì có mang tội với hàng triệu tín đồ đang tôn thờ nó hay không?

Câu trả lời cũng rất đáng ghi nhận: Cộng sản không bao giờ tự nhận mình là một tôn giáo mặc dù hình thức hoạt động của nó là một thứ tôn giáo toàn cầu. Nó cũng có những nhân vật được tôn sùng như thần thánh, nó cũng có mục tiêu là thiên đàng để nhắm tới ngay tại trái đất là xã hội chủ nghĩa hay thế giới đại đồng và đã tồn tại cả trăm năm. Cái không làm Cộng sản trở thành tôn giáo là chưa bao giờ nó nâng cao con người một cách nhân bản và điều thứ hai là nó dị ứng với tất cả mọi tôn giáo không chừa bất cứ tôn giáo nào.

Tuy không phải là một tôn giáo nhưng xem ra Cộng sản rất giống các loại tôn giáo quá khích khác trên lĩnh vực đán áp tự do báo chí. Cộng với quyền lực, người Cộng sản có cảm giác người khác chống họ là báng bổ, phản động và cách họ thường làm là bắt giam những tiếng nói như khủng bố bắn bỏ bốn nhà báo Charlie Hobdo.

Nhà báo Hải Triểu từ Canada cho biết cái nhìn của ông về vấn đề này:

“Cũng vậy thôi, dù rằng nó không đổ máu một cách trực tiếp, tàn bạo cụ thể nhưng nó đổ máu âm thầm trong nhà tù. Những blogger, những người yêu nước họ bị giam bị chết trong nhà tù người ta đâu biết chết vì lý do gì thành ra đối với tôi cộng sản Việt Nam nó giết người trong bóng tối thì ai kết tội nó? Thế giới Tây phương phải nhìn rõ vấn để đó. Công sản Việt Nam đã đàn áp con người, đàn áp tự do báo chí chẳng khác nào các nhóm Islam nhưng thế giới thấy rằng nó đàn áp có vẻ trong bóng tối, không thấy mặt. Nếu bây giờ cộng sản Việt Nam đem xử bắn hết các blogger đó thì thế giới sẽ phải lên tiếng như trường hợp ở Paris.

Cộng sản Việt Nam cũng không thua gì những thành phần khủng bố hết. Họ khủng bố một cách có hệ thống, nghệ thuật để che mắt thế giới, họ không thua gì các nhóm Islam.”


Tự do không phải tự nhiên mà có. Hàng trăm nhà báo đã bị giết trên khắp thế giới, hàng ngàn người khác còn đang trong các nhà tù của các nước độc tài. Máu và tự do của họ không khác gì của chúng ta đang ở bên ngoài chấn song nhà giam. Những con người tranh đấu cho tự do báo chí ấy đang âm thầm ngẫm nghĩ không phải cho số phận riêng của họ mà có lẽ họ vẫn tiếp tục ưu tư về một nển tự do báo chí đích thực mà họ xã thân tranh đấu.

Mặc Lâm
phóng viên RFA
Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages