|
Bình Nhưỡng có hành động khiêu khích mới nhất vào sáng 18/3, khi phóng hai phi đạn đạn đạo tầm trung bình từ bờ biển phía đông đi cách xa 800 kilomet về phía biển. Một trong những phi đạn Rodong, với tầm phóng có thể đi tới Nhật Bản dường như đã bị nổ giữa lúc bay.
Bắc Triều Tiên không công bố một khu vực cấm tàu bè đi lại trước khi thực hiện vụ phóng, mặc dầu theo quy ước quốc tế, họ phải cảnh báo cho các tàu bè có thể đang ở trong khu vực.
Không có phi đạn nào được đánh giá là một mối đe dọa đối với Hoa Kỳ hay các đồng minh trong vùng, theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Là một hành động vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngăn cấm miền Bắc phát triển các khả năng hạt nhân và phi đạn đạn đạo, các vụ phóng đã diễn ra một ngày sau khi Hoa Kỳ loan báo thêm các biện pháp chế tài đơn phương nhắm vào chính quyền Kim Jong Un.
Lịch sử lặp lại
Những vụ phóng phi đạn là các hành động trả đũa mới nhất của Bắc Triều Tiên kể từ khi Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp chế tài gay gắt mới vào ngày 2 tháng 3. Các hành động đó phản ánh sự đáp trả của miền Bắc đối với vòng chế tài mới nhất của LHQ áp đặt vào năm 2013 sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3.
Gần như ngay tức khắc sau khi các biện pháp chế tài được loan báo trong tháng này, Bắc Triều Tiên đã phóng nhiều phi đạn tầm ngắn vào Biển Đông, còn được gọi là Biển Nhật Bản.
Và hôm 18/3, miền Bắc lại phóng hai phi đạn tầm trung vào biển.
Năm 2013, Bắc Triều Tiên đã phóng một loạt phi đạn tầm ngắn trong một cuối tuần vào tháng 5.
Diễn tiến hạt nhân
Tháng này, lãnh tụ tối cao Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh tiến hành thêm các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn. Cơ quan truyền thông nhà nước KCNA đăng tải những hình ảnh ông Kim đi thanh sát các địa điểm nơi những đầu đạn hạt nhân thu nhỏ và những kỹ thuật phi đạn đạn đạo tầm xa tối tân được cho là đang được khai triển.
|
Năm 2013, ông Kim đã ra lệnh cho bộ nguyên tử năng của Bắc Triều Tiên tái khởi động nhà máy tinh chế uranium và lò phản ứng 5 megawatt tại cơ sở hạt nhân Yongbyon. Miền Bắc đã đóng cửa cơ sở này vào năm 2007 theo một thỏa thuận đạt được tại các cuộc đàm phán 6 bên với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Nam Triều Tiên.
Kết án công khai
Tuần này, Tòa án Tối cao Bắc Triều Tiên đã kết án một sinh viên đại học Mỹ 15 năm khổ sai vì những tội trạng chống lại nhà nước.
Sinh viên Otto Warmbier của trường Đại học Virginia đang đi thăm Bình Nhưỡng cùng với một nhóm du khách khi anh ta bị bắt vì định hạ một bích chương mang khẩu hiệu chính trị.
|
Ông Bae cùng với ông Matthew Todd Miller, một người Mỹ khác đang bị Bắc Triều Tiên cầm giữ, đã được phóng thích vào năm 2014 sau khi Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ James Clapper đi thăm Bình Nhưỡng.
Việc liên tục lặp lại những hành vi khiêu khích và khủng hoảng đã dẫn tới sự kiện nhiều người, nhất là ở Nam Triều Tiên, hạ giảm tầm quan trọng của thực tế tiến bộ hạt nhân Bắc Triều Tiên và mối đe dọa ngày càng tăng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Đó là nhận định của chuyên gia phân tích Ahn Chan-il, thuộc Viện Thế giới Nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul.
“Vào thời điểm này, điều đáng tiếc là chúng ta đã trở thành trơ lì trước sự khiêu khích quân sự của Bắc Triều Tiên tiếp tục nâng cấp”.
Trong khi những phản ứng khiêu khích của miền Bắc đi theo cùng một khuôn mẫu thách thức, những người ủng hộ việc chế tài cho rằng không có lý do để tin rằng những biện pháp mới của Hoa Kỳ, cộng với những biện pháp chế tài mà LHQ đã áp đặt trong năm nay, sẽ đem lại một hậu quả khác. Ông Ahn nói tiếp:
"Tôi nghĩ là điều tốt khi nhìn thấy chính quyền Obama áp đặt những biện pháp chế tài và áp lực thực sự trong khi chính quyền đã có một chính sách ngây thơ trước đây đối với Bắc Triều Tiên".
Phản ứng quốc tế
Trong khi các biện pháp chế tài quốc tế làm tăng áp lực kinh tế đối với Bình Nhưỡng, Washington, Seoul và Tokyo đã tăng cường vị thế sẵn sàng phòng vệ. Các lực lượng Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên hiện đang tiến hành các cuộc thao diễn quân sự chung thường niên.
Các đồng minh của Hoa Kỳ lên án vụ vi phạm mới nhất của miền Bắc đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, ngăn cấm họ phát triển khả năng vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên Moon Sang-Gyun nói:
“Vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên là một cuộc tấn công ngay vào mặt Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và một mối đe dọa đáng kể đối với hòa bình và ổn định trong xã hội quốc tế”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi vụ phóng này “cực kỳ có vấn đề” và kêu gọi miền Bắc ngưng những hành động như thế.
Và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã công bố một phát biểu kêu gọi Bắc Triều Tiên “thay vì thế nên tập trung vào việc tiến hành các biện pháp cụ thể hướng tới việc hoàn thành các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của họ”.
Theo VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét