Hơn 200 hộ dân có nguy cơ lâm cảnh màn trời chiếu đất? - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Hơn 200 hộ dân có nguy cơ lâm cảnh màn trời chiếu đất?

ad728
"...Hơn 200 hộ dân thuộc phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Sài Gòn đã bị cưỡng chế vào ngày 17/3 ra khỏi nhà của họ. Mục đích được nói để lấy đất cho dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực thành phố Hồ Chí Minh, hay còn gọi là dự án Tham Lương Bến Cát...."




Sáng ngày 17/3/2016, nhà cầm quyền quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh đã tiến hành cưỡng chế, phá nhà của một số hộ dân nằm trong dự án Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên. Diễn tiến vụ cưỡng chế như thế nào?

Hơn 200 hộ dân ở khu phố 11 – phường Bình Hưng Hòa – Quận Bình Tân có nguy cơ lâm cảnh màn trời chiếu đất khi họ bị nhà cầm quyền địa phương tiến hành cưỡng chế nhằm thực hiện dự án ‘tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên’.

Trang thông tin điện tử Thống Tấn Xã Việt Nam cho biết, dự án này do Trung Tâm Điều Hành chương trình chống ngập nước thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, với tổng giá trị lên đến 666 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Ngân Hàng Thế Giới (Word Bank).

Nguy cơ lâm cảnh màn trời chiếu đất

Sáng ngày 17/3/2016, nhà cầm quyền quận Bình Tân – Tp. Hồ Chí Minh đã đưa rất nhiều công an mặc sắc phục, thường phục, dân phòng, nhân viên môi trường đô thị đến để cưỡng chế, đập phá những hộ dân tại đây.

Bà Đào Thị Kim Tuyến, một nạn nhân trong vụ cưỡng chế sáng nay cho biết:

“Sáng nay, lúc 7 giờ, chính quyền phường và quận phối hợp với nhau để cưỡng chế, đập phá nhà tôi rồi. Theo tôi ước tính có khoảng 4 xe cứu hỏa, cứu thương, công an, dân phòng khoảng 300 người, đứng bao vây cả khu vực luôn à. Sáng nay họ buộc mình vô thế ‘không cho nói’, buộc phải làm theo những điều họ làm. Còn mình nói cái gì, dù đúng hay sai họ cũng không cho nói, không cho làm, họ bác bỏ mình sang một bên, cũng không lập biên bản luôn. Hiện tôi và gia đình đang ở ngoài trời, giăng mền để ngủ.”

Bà Đào Thị Kim Tuyến thấy rằng, từ giờ đến cuối tháng 4/2016, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục cưỡng chế, phá nhà của hơn 200 hộ dân còn lại.

  Họ buộc mình vô thế ‘không cho nói’, buộc phải làm theo những điều họ làm. Còn mình nói cái gì, dù đúng hay sai họ cũng không cho nói, không cho làm, họ bác bỏ mình sang một bên, cũng không lập biên bản luôn.

-Bà Đào Thị Kim Tuyến
Ông Mai Quốc Tuấn, một người dân trong vùng cưỡng chế kể rằng, trong buổi sáng 17/3/2016, nhà cầm quyền địa phương đã cho người xuống cưỡng chế khoảng 3 – 4 hộ dân, tuy nhiên không hiểu vì sao họ chỉ cưỡng chế một hộ dân, sau đó họ ngưng và đưa người về.

Khi được hỏi về lý do tại sao nhà cầm quyền lại cho ngưng cuộc cưỡng chế trong buổi sáng 17/3/2016, ông Mai Quốc Tuấn thấy rằng:

“Đó là chuyện nội bộ của họ, nhưng thực tế là đã thấy cái viễn cảnh đẩy người dân ra sống cảnh màn trời, chiều đất, bây giờ đang giăng mùng ngủ ngoài đường.”

Nguyên nhân

Theo báo Vietnamnet, dự án ‘tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên’ được chính thức khởi công vào năm 2002 với công tác ‘giải phóng mặt bằng’, và số hộ dân phải di dời lên đến 3.000 hộ. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay vẫn còn hơn 200 hộ dân chưa di dời vì họ cho rằng giá đền bù quá rẻ mạt.

Giá đến bù không hợp lý là nguyên nhân khiến 200 hộ dân ở đây không chịu di dời theo ý của chính quyền địa phương, ông Mai Quốc Tuấn nói:

“Cái dự án đó được Ngân Hàng Thế Giới cho Việt Nam vay và riêng về vấn đề tiền hỗ trợ cho dân, thì theo ông Lê Hoàng Quân – Chủ Tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh có họp vớ bên Ngân Hàng Thế Giới sẽ bồi thường cho dân là 7.000 tỷ cho 2.800 hộ dân. Như vậy, tính ra mỗi một hộ dân sẽ được khoảng chừng 2.5 tỷ đồng, nhưng mà bây giờ, ông Bí Thư Thành Ủy Tp. Hồ Chí Minh đã phù phép như thế nào đó để rồi cuối cùng mỗi hộ dân chỉ nhận được 1/10 số tiền đó, chỉ từ 150 – 250 triệu đồng.”

Theo bà Đào Thị Kim Tuyến, ngoài nguyên nhân trên, những hộ dân ở đây còn rất khó bực bội với công tác tái định cư của chính quyền Tp. Hồ Chí Minh, nếu làm theo ý của chính quyền địa phương, những người dân ở đây sẽ phải chịu thêm rất nhiều khoản chi phí vô lý khi đến ở khu chung cư, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc ‘làm ăn sinh sống’ của họ sau khi di dời.
Bà Đào Thị Kim Tuyến tiếp tục trình bày:

“Họ cho nhận cái chung cư, mà cái chung cư đó xuống cấp trầm trọng, nó ở tỉnh lộ 10, gần và giáp ranh với tỉnh Long An. Tiền hỗ trợ (nếu nhận) thì được 170 triệu đồng, và vô trong cái chung cư đó là phải đóng 20 triệu đồng để nhận chung cư, rồi hàng tháng sẽ đóng 2 triệu đồng cho nhà nước trong 9 năm, qua khỏi 9 năm chung cư mới thuộc về tôi.”

  Mong muốn của người dân ở đây, cũng chỉ xoay quanh vấn đề giá cả bồi thường cho thỏa đáng, đề người ta ổn định cuộc sống sau này.

-Ông Mai Quốc Tuấn
Bà Đào Thị Kim Tuyến cho biết thêm, tất cả những hộ dân ở đây để có giấy tờ đất đai hợp pháp, nhưng cách hành xử của chính quyền địa phương là không thỏa đáng. Ngoài việc giá cả đền bù chưa hợp lý, chi phí mua chung cư mới rất cao nhưng chất lượng lại rất tồi… còn kể đến thái độ của chính quyền địa phương trong những lần gặp dân trước đấy rất là tệ, thiếu sự tôn trọng người dân. Gần đây là cuộc gặp gỡ ngày 16/2/2016, trong cuộc gặp đó, chính quyền luôn tìm cách áp đặt việc di dời chứ không chịu lắng nghe ý kiến của các hộ dân, khi dân không đồng tình thì họ (chính quyền) đưa người đến để cưỡng chế, phá nhà dân để rồi hôm nay gia đình tôi phải lâm cảnh màn trời chiếu đất.

Chính quyền nói gì?

Sáng ngày 18/3/2016, chúng tôi có liên lạc với bà Phạm Thị Ngọc Diệu – Phó Chủ Tịch UBND quận Bình Tân, để hỏi về vụ việc cưỡng chế, phá nhà ở khu phố 11 – phường Bình Hưng Hòa – Quận Bình Tân – Tp. Hồ Chí Minh, sau khi nghe giới thiệu là phóng viên của đài RFA, ngay lập tức bà Diệu dập máy.

Chúng tôi tiếp tục liên lạc với ông Lại Phú Cường – Trưởng Ban Giải Phóng Mặt Bằng, khi được hỏi về thông tin liên quan đến vụ việc ‘giải phóng mặt bằng’ tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, ngay lập tức anh từ chối trả lời:

“Nội dung đó tôi không phải là người phát ngôn, cho nên có gì anh liên hệ chỗ chị Phạm Thị Ngọc Diệu, với chủ tịch quận ấy.”

Sau đó chúng tôi tiếp tục liên lạc với chủ tịch quận Bình Tân, Trung Tâm Chống Ngập Tp. Hồ Chí Minh, nhưng tất cả đều không nghe máy.

Mong muốn

Ông Mai Quốc Tuấn cho biết, những hộ dân ở đây sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi quyền lợi cho chính mình, dù biết trong tay không một tấc sắt và phải đối đầu với chính quyền có công an, dân phòng... rồi bị chính quyền đẩy người dân vào cảnh màn trời chiếu đất, nhưng những người dân và anh luôn mong rằng:

“Mong muốn của người dân ở đây, cũng chỉ xoay quanh vấn đề giá cả bồi thường cho thỏa đáng, đề người ta ổn định cuộc sống sau này. Còn dự án ‘kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên’ là một công trình tiêu thoát nước quan trọng, để giải quyết vấn đề môi trường, người dân ở đây cũng đồng tình và hưởng hứng ủng hộ.”

Và lời cuối cùng mà bà Đào Thị Kim Tuyến, nạn nhân đầu tiên của vụ cưỡng chế đất, phá nhà của chính quyền Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ với chúng tôi rằng, bà mong sớm có ngôi nhà mới để không phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, để 8 thành viên trong gia đình có chỗ chui ra-chui vào và để cô con dâu của bà có chỗ để sinh con (dự kiến cuối tháng 3 con dâu của bà sẽ sinh).

Xuân Nguyên
Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages