|
Đây là lời kêu gọi được bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Cao Đức Phát đưa ra trong hội nghị với các đối tác ở Hà Nội hôm thứ Hai 14 tháng Ba vửa qua.
Tại hội nghị, bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá tình trạng hạn hán kéo dài dẫn đến nạn nhập mặn vẫn tiếp diễn không ngừng ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, là tình huống thiên tai lịch sử mà hệ lụy của nó là sản xuất giảm sút nghiêm trọng, đời sống hàng triệu người dân bị ảnh hưởng đáng kể.
Tình trạng sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa trong những tháng tới, vẫn lời bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam. Ông nói dự báo cho thấy nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ lên đỉnh điểm từ tháng Tư cho đến tháng Năm và tháng Sáu. Đỉnh điểm khô hạn vùng Trung Bộ là thang Tư và tháng Năm, Tây Nguyên có thể mưa khoảng tháng Năm và tháng Sáu nhưng vùng Ninh Thuận và Nam Trung Bộ phải đến tháng Chín mới có mưa. Hiện tại nhiều hồ chứa trong các khu vực nêu tên đã trơ đáy, nước ở các giếng cũng cạn kiệt dần.
Trong một lần trả lời đài Á Châu Tự Do mới đây, tiến sĩ Dương Văn Ni, đại học Cần Thơ, cũng nhìn nhận thực tế nhiễm mặn và hạn hán tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã tới mức trầm trọng:
Đó là kêu gọi rất cần thiết vì bây giờ bà con gặp rất nhiều khó khăn và nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài thì rất khó để vực dậy và khôi phục được tình trạng kinh tế của mình cũng như tiếp tục phát triển sản xuất. - Thạc sĩ Lâm Thị Thu Sửu |
Do đó, đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2015 không có nước lũ về. Nhiều người nói đó là ảnh hưởng của hiệu ứng El Nino làm cho lượng mưa của khu vực giảm, lượng nước về ĐBSCL cũng như lượng nước mưa tại chỗ của ĐBSCL giảm rất đáng kể. Đó là nguyên nhân làm cho hạn hán cũng như xâm nhập mặn của ĐBSCL năm nay nghiêm trọng hơn.
Vẫn theo lời ông Cao Đức Phát đưa ra tại hội nghị với các đối tác, đợt thiên tai lịch sử khiến lượng mưa tại đồng bằng sông Cửu Long giảm 20 đến 30% so với trung bình nhiều năm, lượng nước trên sông Mekông đổ về Việt Nam giảm khoảng 50% . Ông nói Việt Nam đã làm hết sức có thể để đối phó song những nỗ lực đó vô cùng gian năn và rất cần sự chung tay vào cuộc của quốc tế.
Thạc sĩ Lâm Thị Thu Sửu, thành viên của Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, nhận định:
Đó là kêu gọi rất cần thiết vì bây giờ bà con gặp rất nhiều khó khăn và nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài thì rất khó để vực dậy và khôi phục được tình trạng kinh tế của mình cũng như tiếp tục phát triển sản xuất. Cần có sự hỗ trợ không những trong nước mà còn nước ngoài là điều cần thiết.
Nguồn sống của đồng bằng sông Cửu Long chính là nguồn nước từ sông Mê Kông, thạc sĩ Lâm Thị Thu Sửu nói tiếp, vì thế khi yêu cầu quốc tế hỗ trợ khẩn cấp thì trước là yêu cầu các quốc gia lân cận vùng hạ lưu Mê Kông, đồng thời kêu gọi sự hợp tác của Trung Quốc ở thượng nguồn:
Quan trọng nhất là lưu vực Mekông ảnh hưởng tới nhiều nước và cần sự cam kết của nhiều nước trong lưu vực. Hiện đã có Hiệp Định 1995 của Mê Kông thì tất cả sự can thiệp liên quan tới dòng chảy Mê Kông phải có yếu tố bên ngoài.
|
Hiện nay Trung Quốc không tham gia MRC tức Ủy Hội Sông Mê Kông nên cũng cần quốc tế tham gia trong việc thúc đẩy quá trình đàm phán giữa các nước hạ lưu Mê Kông trong đó Việt Nam nằm dưới hạ nguồn nhất. Trung Quốc cần có những đàm phán và đối thoại như thế nào cho phù hợp, chia sẻ nguồn nước một cách công bằng nhất và bền vững nhất.
Không chỉ là chuyện thiếu nước
Dưới mắt tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu của Đại học Cần Thơ, vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn trên tầm mức qui mô và lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long đã vượt tầm kiểm soát của chính phủ Việt Nam:
Nếu mình không coi chuyện biến đổi khí hậu và tác động xuyên biên giới là vấn đề nghiêm trọng của ĐBSCL thì mình sẽ tiếp tục lúng túng và bị động trong cách đối phó như hiện nay. Kinh nghiệm đối phó với tình trạng hạn hán lịch sử như thế này thì chưa có nhiều, nó đòi hỏi rất nhiều tiền của mà ĐBSCL chưa thể đáp ứng được.
Một trong những kêu gọi của Việt Nam là yêu cầu các nước có hệ thống thủy điện phía thượng nguồn như Trung Quốc xả nước xuống để cứu nguy cho tình trạng hạn nặng ở ĐBSCL. Tuy nhiên đó chỉ là cách giải quyết mang tính đối phó trước mắt. Trong tương lai, trong sự đối phó toàn diện thì phải có một chiến lược lâu dài và coi trường hợp năm nay là rủi ro để xem xét tình huống tương tự cho năm sau, phải có kế hoạch lâu dài hơn, phù hợp với tình hình thay đổi mới hơn. Tôi nghĩ sau đợt thiên tai này các ngành các cấp đều phải đánh giá lại những qui hoạch và những chiến lược đã làm trong những năm trước, có gì thay đổi cho nó phù hợp cho những năm kế tiếp.
Hạn và mặn đang diễn ra tại đồng bằng sông Cửu Long không phải vấn đề riêng của chính phủ và nông dân Việt Nam mà còn là vấn đề của quốc tế. Mặt khác, phải nhìn nhận hạn và mặn ở ĐBSCL tức vựa gạo của Việt Nam, không hoàn toàn do thiên tai mà do những cái đập trên thượng nguồn gây ra.
Đó là lời tiến sĩ Đinh Xuân Quân, chuyên gia kinh tế và nông nghiệp, thành viên tổ chức NGO Viet Ecology Foundation ở Hoa Kỳ, từng là cố vấn cho bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Afghanistan trong 7 năm:
Đây là một kêu gọi đúng lúc thôi vì hiện giờ Ủy Hội Sông Mê Kông đang nhóm họp tại Việt Nam. Là một chuyên gia về kinh tế nông nghiệp tôi thấy Việt Nam vẫn coi đó là chuyện thiếu nước nhưng đây là chuyện lớn hơn rất nhiều vì nó dính tới Lào, Kampuchia, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc.
Đáng lẽ Việt Nam còn phải lớn tiếng hơn rất nhiều. Tôi nhớ hồi xưa là Ủy Hội Sông Mê Kông trước năm 75 có quyền phủ quyết khi xây mấy cái đập. Sau 75 Việt Nam xã hội chủ nghĩa tham gia thì họ bỏ cái phủ quyết này. Đây là một bất lợi lớn cho Việt Nam vì Lào đang xây những cái đập mà sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới ĐBSCL không những ngắn hạn mà mấy chục năm tới nữa. Do đó phải kêu gọi quốc tế vào, làm sao mà Việt Nam tranh đấu với Trung Quốc, làm sao mà mỗi lần phải đi lạy họ để họ xả nước hay sao? Đây là vấn đề phải hợp tác quốc tế.
Là một chuyên gia về kinh tế nông nghiệp tôi thấy Việt Nam vẫn coi đó là chuyện thiếu nước nhưng đây là chuyện lớn hơn rất nhiều vì nó dính tới Lào, Kampuchia, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc. - Tiến sĩ Đinh Xuân Quân |
Điểm thứ hai cần lưu ý, tiến sĩ Đinh Xuân Quân nói, hai nước bị thiệt hại nặng nề vì hạn và mặn là Việt Nam và Kampuchia, vì thế ngoài kêu gọi hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp từ quốc tế, Việt Nam và Kampuchia cần hợp tác với nhau hơn là hành động đơn lẻ:
Khi có quốc tế vào thì họ sẽ đưa ra kỹ thuật cho thấy đó là do những cái đập trên đầu nguồn của Trung Quốc, của Lào. Của Thái Lan mà nó ảnh hưởng tới ĐBSCL. Cái quan trọng là phù sa Việt Nam mất rất nhiều, bờ biển Việt Nam mất dần dần do đất lỡ, nước măn vô .
Tóm lại, theo khẳng định của giới chuyên gia, kêu gọi hỗ trợ quốc tế khẩn cấp chỉ là giải pháp ngắn hạn. Về lâu về dài Việt Nam cần một chiến lược đối phó dài hạn từ trong ra đến bên ngoài thì mới mong cứu vãn tình thế và giúp đỡ nông dân của mình một cách hữu hiệu.
Thanh Trúc
Theo RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét